Sau này chúng ta sẽ làm nghề gì?

“Sau này chúng ta sẽ làm nghề gì ?” có phải đó chính là những câu hỏi chúng ta tự đặt ra trong đầu trước khi kết thúc quãng thời gian tươi đẹp “cắp sách tới trường”, để rồi với những suy nghĩ, những trăn trở đôi khi còn là phân vân, mông lung và cuối cùng điều gì đến cũng đến chúng ta đặt bút ghi tên ngôi trường mà mình lựa chọn lên ô Nguyện vọng… Bước chân vào cánh cổng Đại học với bao bỡ ngỡ, cuộc sống xa nhà đôi khi là cả sự cô đơn, trăn trở tương lai, cách học mới cách sống mới ở nơi phố thị xa hoa nhiều cám dỗ này. Ấy vậy mà giờ đây, chúng ta sắp phải xa nhau rồi, mùa đồ án đã qua mùa tốt nghiệp đã đến, khoác trên mình chiếc áo cử nhân, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, vinh dự đấy tự hào đấy, song hành cùng nó là một chút tiếc nuối thoáng qua vì những điều, những kỷ niệm đã xảy ra và những lo toan dự định trong tương lai…

Sau này, sẽ có những lúc cuộc sống quá tất bật, khó khăn nhưng có những lúc con người ta phải lắng lại suy nghĩ về chặng đường mình đã trải qua, về tương lai phía trước. Lúc này đây, sẽ lại rộn lên kỷ niệm của những ngày tháng sinh viên tươi vui dưới mái trường đại học. Mới ngày nào chúng ta còn bỡ ngỡ với cái tên trường ĐH Thủy Lợi, với mọi thứ tại ngôi trường này. Rồi cũng dần quen với những giờ học đầu tiên trên giảng đường đại học, với thầy cô và đám bạn cùng lớp cực kỳ “nhí nhố” ở khắp mọi tỉnh thành. Mình nhớ những giờ học quân sự, học kỹ năng mềm, những buổi học vui vẻ của thầy trò trên lớp, cả những buổi đi thực tế môn học, lấy mẫu phân tích hay thực hành trong phòng thí nghiệm, thời gian đi thực tập tốt nghiệp hay những ngày đi tình nguyện đầy ắp kỷ niệm... Nhưng giờ đây chúng ta đã chính thức tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc  sẽ chia tay ngôi trường này.Chắc các bạn cũng như mình, sẽ nhớ lắm nơi đây, phải không? Bốn năm không hẳn là thời gian dài nhưng nó đủ để hình thành cái gọi là kỷ niệm. Ngày mai đây khi chúng ta xa nhau, rời xa mái trường, mong rằng các bạn hãy gìn giữ những ngày tháng đẹp ấy và đừng quên nhau nhé!

Với đa phần mỗi người, quãng thời gian đầu sự nghiệp bao giờ cũng rất rất khó khăn. Thường mấy điều ấy, chúng ta khó có thể kể cùng ai. Đặc biệt, với bố mẹ, chúng ta đã phiền họ quá nhiều để không muốn họ phiền lòng thêm nữa.Cuộc sống này đâu có dễ dàng. Mình nghĩ, ở bất cứ phố thị nào, cũng có những con người trẻ sống vô định và bần thần. Đường xá phồn hoa hút cạn sức sống của người trẻ và khiến họ như những bóng ma. Nhưng vẫn luôn có chỗ, cho những người không nản lòng chen lấn và cố gắng. Có rất nhiều người cũng trải qua những điều gần như tương tự nhau, có những người vượt qua được, có những người thì không, có những người cứ mắc kẹt mãi, có những người lại vùng dậy được.

Chúng ta thường tự thất bại trước bản thân trước khi bị những khó khăn bên ngoài đánh gục...

Các bạn biết đấy, ở ngoài kia trên Đất nước này có hàng triệu người trẻ như chúng ta đang ngày đêm cố gắng, đang định vị lại bản thân và định vị lại Đất nước. Hình ảnh của U23 Thường Châu, Âm nhạc của Sơn Tùng M-TP, Cha đẻ của Flappy Birth  hay những doanh nghiệp vươn mình ra thế giới như Viettel, Vingroup, những chiếc điện thoại ô tô mang hai tiếng “Việt Nam”.

Thế giới vốn biến thiên. Có cả hàng trăm quốc gia từng biến mất trong tiến trình lịch sử thế giới. Có không ít những quốc gia, đến giờ chỉ còn lại một vài vết tích nhỏ và cũng có không ít các quốc gia, lịch sử không còn ghi tên họ.Việt Nam, may mắn và nghị lực thay, vẫn đứng giữa thế giới như vậy.Thế giới này vốn thay đổi liên tục và bản chất sự tồn tại của mọi định nghĩa trên thế giới đó, là thuộc về kẻ mạnh. Việt Nam chưa từng là một kẻ mạnh, nhưng lại là một điểm khó hiểu trong lịch sử thế giới, một tiểu quốc tồn tại và đánh bại những đế quốc mạnh mẽ nhất mà loài người từng ghi nhận.Tổn thương, đau khổ là có và chúng ta, đang đi tìm lại mình từ những điều ấy. Đi từ những con số 0, đến bây giờ, là cả một chặng đường dài của cả một dân tộc, có cả máu, nước mắt, nghị lực, ý chí, khát khao. Những lúc tưởng như Việt Nam sẽ biến mất, vĩnh viễn trên vũ đài thế giới, nhưng nó vẫn đang sống, đang tồn tại và đang trên hành trình song hành cùng lịch sử thế giới.

Shark Nguyễn Thanh Việt (Chủ tịch HĐQT Intracom) - Cựu sinh viên Khoa Công trình trường ta đã nói một câu nói mà nó khiên chúng ta, những người trẻ phải suy ngẫm khi so sánh quê hương ông với đất nước Israel- đất nước chiếm 90% diện tích là sa mạc “giữa sa mạc hoa vẫn nở, sao quê mình nghèo như thế mà mình không làm cho hoa nở được”. Đúng vậy, “chúng ta không có quyền chọn nơi mình sinh ra” nhưng chúng ta có thể chọn cách chúng ta sống, chúng ta cống hiến.

Chúng ta- những sinh viên sắp ra trường, hãy khiến cho cha mẹ thầy cô tự hào, để Ngôi trường Đại học Thủy Lợi này thấy vinh dự mỗi lần được xướng tên. Và điều đặc biệt là để cống hiến cho Đất nước này. Vì một Việt Nam hùng cường!

 

Thực hiện: Khắc Kiên- 59CX4, Anh Toàn- 60CX3.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
330