Hội thảo" Công nghệ thi công trên nền đất yếu"

Sáng thứ Hai, ngày 26 tháng 3 năm 2018, Khoa Công trình phối hợp với Tập đoàn Trung Nam tổ chức Hội thảo "Công nghệ thi công trên nền đất yếu"

Tham dự Hội thảo có ông Vũ Đình Tân - phó giám đốc Trung Nam BT 1547 (Đơn vị thực hiện Dự án chống ngập), PGS.TS Nguyễn Hữu Huế - Trưởng Khoa Công trình kiêm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công trình - Trường Đại học Thủy lợi; GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, GS.TS.NGND Lê Kim Truyền – nguyên Hiệu trưởng trường ĐHTL, các chuyên gia của Tập đoàn Trung Nam, đại diện một số Trường Đại học, một số tổ chức KH&CN …

Toàn cảnh Hội thảo Công nghệ thi công trên nền đất

Thực tế, một phần lớn của lãnh thổ Việt Nam có thành tạo đất yếu theo các dạng vùng biệt lập và vùng lan rộng, đặc biệt các vùng của Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng ven biển miền Trung. Nhiều thành phố và thị trấn quan trọng được hình thành và phát triển trên nền đất yếu với những điều kiện khó khăn, suất đầu tư cao, tổ chức thi công phức tạp. Thực tế này đã đòi hỏi phải hình thành và phát triển các công nghệ thích hợp và tiên tiến để thi công công trình trên nền đất yếu.

Hội thảo là dịp để các bên liên quan trao đổi và làm rõ về các công nghệ thi công trên nền đất yếu hiện nay như: xử lý nền bằng cọc ống thép của dự án chống ngập TP. HCM, hạ thấp mực nước ngầm và công nghệ đào đường hầm tàu điện ngầm bằng khiên đào trong đất yếu tại TP. HCM.

Tại hội thảo, Tập đoàn Trung Nam đã giới thiệu Công nghệ thi công cống chống ngập do triều khu vực TPHCM.

Nguyễn Văn Cao - Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung Nam BT 1547 (Đơn vị thực hiện Dự án chống ngập) báo cáo tại Hội thảo.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1 được khởi công và triển khai thực hiện vào ngày 26.6.2016, do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư. Dự án gồm 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định), 25 cống nhỏ dưới đê và xây dựng 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn. Tổng mức đầu tư là 9.926 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2018.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực TP.HCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, dự án này còn chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị (QH752) thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều. Ngoài ra công trình này còn góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án, hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường và đảm bảo giao thông thủy theo cấp và quy định của thành phố.

Tại Hội thảo, TS Trần Văn Toản, giảng viên Bộ môn Công nghệ và QLXD – Khoa Công trình – trường ĐHTL đã giới thiệu công nghệ hạ thấp mực nước ngầm (HMNN) phục vụ thi công công trình trên nền cát khu vực Hà Nội. Công tác khảo sát là công tác đặc biệt quan trọng để quyết định đúng giải pháp HMNN, tính toán thiết kế, bố trí thiết bị, …. Cần nghiên cứu kỹ hố móng để đưa ra giải pháp HMNN theo từng thời kỳ thi công phù hợp. Các thiết bị HMNN truyền thống thường phức tạp, giá thành cao, lại thường phải nhập ngoại. Vì vậy, cần nghiên cứu cải tiến thiết bị HMNN sao cho vừa đơn giản, vừa dễ chế tạo và giá thành rẻ. Việc tính toán thiết kế HMNN còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Cần vận dụng công nghệ tin học vào thiết kế để tăng độ chính xác và giảm thời gian và công sức. Thi công hệ thống HMNN đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và phải có các giải pháp kỹ thuật làm tăng lưu lượng vào các giếng. Mặt khác cũng cần có các giải pháp ngăn dòng thấm mạnh phía nguồn bổ sung nước ngầm vào hố móng. Nên tự động hoá được công tác này là tốt nhất. Để nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý hệ thống thiết bị HMNN.

Phần cuối Hội thảo, TS Thân Văn Văn, giảng viên Bộ môn Công nghệ và QLXD – Khoa Công trình – trường ĐHTL trình bày về vấn đề lún mặt đất đo đào đường hầm tàu điện ngầm tuyến số 1 – TP. HCM. Địa chất tại TP. Hồ Chí Minh gồm 6 lớp đất tự nhiên, phân ra hai kiểu nền đất phổ biến: đất bùn rất yếu phân bố ngay từ trên mặt và trải xuống sâu tới 30 - 40m (lớp 1 và lớp 2); nền đất cấu tạo bởi các đất hạt rời bão hòa nước, xốp. Các yếu tố địa chất không thuận lợi cho việc thi công đường hầm bao gồm: nền đất đất yếu, nước ngầm và nước mặt. Kết quả từ các hoạt động quan trắc tại TP. HCM cho thấy: lún nền đất vẫn gia tăng và lan trên diện rộng (240km2). Tốc độ lún trung bình khoảng 40mm/năm và lớn nhất có thể đạt 67mm/năm. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu dự báo độ lún mặt đất do đào đường hầm tàu điện ngầm tuyến số 1 TP. HCM.

Trong khuôn khổ nội dung hội thảo, các chuyên gia, đơn vị hy vọng nước ta sẽ sớm tiếp cận và làm chủ các công nghệ thi công hiện đại trên nền đất yếu