Một số lĩnh vực nghiên cứu của Khoa Công trình

 

1    Nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng

 

 

-   Nghiên cứu lý thuyết kết cấu vỏ mỏng, kết cấu trên nền đàn hồi, kết cấu bê tông ít cốt thép, kết cấu xi măng lưới thép và bê tông khối lớn để nâng cao độ chính xác của các bài toán phân tích kết cấu công trình.

 

 

-   Nghiên cứu phương pháp luận tính toán công trình và nền công trình theo trạng thái giới hạn – độ tin cậy để tiếp cận với sự ứng xử thực tế của công trình và môi trường đất – nước – công trình. Nghiên cứu các bài toán xác định áp lực đất lên tường chắn, áp lực lỗ rỗng trong môi trường đắp đập…

 

 

-   Nghiên cứu lý thuyết dòng thấm, lý thuyết dòng chảy có thế, dòng chảy rối, dòng xiết để giải quyết các bài toán thấm ổn định và không ổn định qua đập vật liệu tại chỗ có biên phức tạp, phân tích các yếu tố thủy động lực của dòng chảy tác động lên biên công trình có biến đổi đặc biệt và các vấn đề về hàm khí và khí thực.

 

 

-   Ứng dụng và phát triển các phương pháp tính toán hiện đại như phương pháp phần tử hữu hạn trong tính toán kết cấu và thủy lực công trình, đã giải quyết có hiệu quả một loạt các bài toán phức tạp đã và đang đặt ra trong thực tế như: phân tích các kết cấu làm việc đồng thời với nền, phân tích trạng thái ứng suất biến dạng của kết cấu theo mô hình đàn hồi tuyến tính và phi tuyến, tìm các đặc trưng thủy động lực học dòng chảy có thế của cả dòng mặt và dòng ngầm, giải các bài toán móng cọc …

 

 

-   Áp dụng lý thuyết hệ thống, lý thuyết độ tin cậy để phân tích tối ưu kết cấu, lựa chọn phương án công trình, tính toán ổn định công trình…

 

 

2       Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực công trình

 

 

-         Các giải pháp công trình nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra (thời kỳ 1964 – 1975).

 

 

-         Nghiên cứu ứng dụng để phục vụ kịp thời cho yêu cầu của sản xuất như: máng mỏng xi măng lưới thép, áp lực khe rỗng trong công trình đất, ứng suất nhiệt trong bê tông, trạng thái ứng suất biến dạng của đập có xét đến tải trọng động, cống dưới đê, công nghệ kiểm tra đánh giá chất lượng công trình cũ, lựa chọn kết cấu bảo vệ chân kè đê biển, nổ mìn trong xây dựng công trình thủy lợi, đất có cốt, đất đắp đập miền Trung, phụ gia trong bê tông…

 

 

-         Nghiên cứu chế tạo chất dẻo mềm Vanxơmát, Epoxy để làm vật liệu thí nghiệm Quang đàn hồi, chế tạo các đầu đo áp lực tĩnh và động, nghiên cứu sử dụng có hiệu quả các thiết bị đo hiện đại nhận được từ Dự án VIE 88 – 007 để khảo sát hiện trường, kiểm định và đánh giá chất lượng công trình, nghiên cứu ứng dụng mô hình khe hẹp để giải các bài toán thấm qua đê đập, dòng chảy có thế để hỗ trợ cho nghiên cứu và thiết kế công trình thủy lợi.

 

 

-         Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tin học, sử dụng các phần mềm như SAP2000, PLAXIS, ANSYS, GEO – SLOPE … và xây dựng một số phần mềm khác phục vụ cho giảng dạy và tính toán công trình.

 

 

3       Nghiên cứu áp dụng công nghệ mới và tư vấn xây dựng công trình

 

 

-         Ứng dụng xi măng lưới thép vào công trình thủy lợi, ứng dụng công nghệ rung để chế tạo các máng dẫn nước bằng xi măng lưới thép, ứng dụng kết cấu mảng mềm bê tông đúc sẵn làm kè mái đê sông đê biển, công nghệ tính toán hạ chìm tự do các xi phông thép có đường kính lớn.

 

 

-         Tham gia nghiên cứu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình hồ chứa Hòa Bình, các phương án quy hoạch Lô Gâm, thủy điện Sơn La. Làm chủ nhiệm và tham gia thiết kế thi công nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn của cả nước trong đó đã chú ý áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ và các loại hình công trình mới.

 

 

-         Nhiều chuyên gia của Khoa đã tham gia vào các Hội đồng khoa học Nhà nước trong các dự án an toàn hồ Hòa Bình, xử lý đê Yên Phụ, tham gia và các hội đồng đánh giá, nghiệm thu các chương trình, các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ.

 

 

-         Tư vấn thẩm định nhiều đồ án thiết kế, kiểm định chất lượng công trình và giám sát thi công nhiều công trình lớn trong đó đã ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 

-         Nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật của Khoa là đồng tác giả của các cuốn sách lớn, các Qui trình qui phạm của ngành Thủy lợi như: Sổ tay kỹ thuật thủy lợi, Qui phạm tính toán nền công trình thủy công, Hướng dẫn thiết kế cống thép bọc bê tông, Hướng dẫn tính toán khí thực công trình tháo nước…và nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học của quốc tế, quốc gia và ngành.

 

 

4       Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa kết hợp với Viện kỹ thuật công trình

 

 

a)                   Viện kỹ thuật công trình

 

 

Thực hiện chiến lược phát triển trường Đại học Thủy lợi năm 2006 – 2020, nhà trường chủ trương xây dựng các viện khoa học công nghệ hoạt động song song với các khoa, là địa bàn hoạt động khoa học công nghệ của các bộ giáo viên, nơi đào tạo cán bộ khoa học trẻ và địa điểm thực tập nghề nghề nghiệp của sinh viên trong khoa.

 

 

Viện kỹ thuật công trình được thành lập theo Quyết định số 1309/QĐ – BNN – TCCB ngày 13/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trên cơ sở nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất của Khoa Công trình và các đơn vị khác trong trường. Viện có chức năng đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất, hợp tác quốc tế. Viện có giấy phép hành nghề khoa học công nghệ, có con dấu, tài khoản riêng.

 

 

b)       Hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa kết hợp với Viện kỹ thuật công trình

 

 

·        Các hướng nghiên cứu chính:

 

 

-         Các giải pháp công trình đảm bảo ổn định và độ bền dưới tác dụng của các điều kiện thiên nhiên bất thường (bão, lũ, nước biển dâng, sạt lở núi, động đất…).

 

 

-         Nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ mới , vật liệu mới trong xây dựng công trình đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và kinh tế.

 

 

-         Nghiên cứu hợp lý hóa, tối ưu hóa các sơ đồ bố trí, tính toán thiết kế, tổ chức thi công xây dựng công trình…

 

 

·        Một số đề tài cụ thể đang thực hiện:

 

 

-         Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ đảm bảo ổn định và độ bền của đê biển hiện có trong trong trường hợp sóng – triều cường tràn qua đê (đề tài cấp Nhà nước, 2008 – 2010).

 

 

-         Nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn các công trình xây dựng trong điều kiện thiên tai bất thường vùng duyên hải miền Trung (đề tài cấp Nhà nước, 2009 – 2011).

 

 

-         Nghiên cứu khả năng chống thấm của hào bentonite để xử lý nền và thân đập (đề tài cấp Bộ, 2007 – 2009).

 

 

-         Nghiên cứu ứng dụng phương pháp cố kết chân không xử lý nền đất yếu phục vụ xây dựng công trình thủy lợi vùng ven biển (đề tài cấp Bộ, 2008 – 2011).

 

 

c)        Hoạt đông tư vấn, phục vụ sản xuất

 

 

Từ 2007 – 2011, Viện kỹ thuật công trình đã ký kết và đang thực hiện 80 hợp đồng tư vấn các loại với tổng giá trị 39 tỷ đồng. Các nội dung tư vấn rất đa dạng: Khảo sát lập dự án, thiết kế, thẩm tra thiết kế, giám sát thi công, giám định chất lượng công trình. Đối tượng tư vấn gồm các công trình thủy lợi, thủy điện, trạm bơm, đê kè và các loại công trình xây dựng khác. Địa bàn hoạt động tư vấn trải rộng trên nhiều vùng trong cả nước. Lực lượng thực hiện các nhiệm vụ tư vấn ngoài đội ngũ trực thuộc Viện kỹ thuật công trình thì tham gia chính là các giáo viên Khoa Công trình.

 

 

Với sự cộng tác của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn, nhiều nhiệm vụ tư vấn rất khó khăn và phức tạp như thẩm tra báo cáo nguyên nhân nứt bê tông ở đập Sơn La, đánh giá nguyên nhân sự cố vỡ đập KE 2/20 REC – Hà Tĩnh, đánh giá nguyên nhân nứt đập Ban Tiện – Sóc Sơn, Hà Nội và biện pháp xử lý … đã được hoàn thành tốt, được chủ đầu tư đánh giá cao.

 

 

Ngoài ra, nhiều giáo viên của Khoa Công trình được mời vào tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, đã có nhiều đóng góp trong việc đảm bảo chất lượng xây dựng các công trình lớn của đất nước.