Sinh hoạt lớp kết hợp tham quan thực tập, tại sao không?

Sau những ngày tháng học online căng thẳng mệt mỏi, ngày ngày phải học qua màn hình máy tính với những con số chạy trong đầu mơ màng, để tăng tính thực tiễn và tiếp cận thực tế, lớp 61C ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được sự cho phép của nhà Trường và Khoa Công trình đã có buổi đi tham quan cụm công trình trên đê ở thành phố Hà Nội. Buổi đi tham quan này được tổ chức vào đợt sinh hoạt lớp cuối năm học 2021-2022. Sinh viên lớp đã trực tiếp được tham quan Đập Đáy, cống Cẩm Đình và tuyến đê Vân Cốc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Đây là buổi tham quan giúp các sinh viên hiểu rõ và có cái nhìn thực tế hơn về công trình mình đang học. Qua đây, sinh viên hình dung được các bộ phận công trình đã được chỉ được nhìn trên sách vở. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh chị phòng kỹ thuật , sinh viên đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích. Như vậy, sinh viên không những hiểu được kết cấu Đập Đáy, Cống Cẩm Đình và đê Vân Cốc, mà còn tìm hiểu lý do bố trí nhiều bộ phận khác trên công trình.

Đập Đáy là công trình cấp đặc biệt, có nhiệm vụ phân lũ sông Hồng vào sông Đáy trong những năm lũ lớn, ngoài ra cống còn để tiêu nước cho ruộng đất 2 bên bờ sông Đáy vào những năm không cần phân lũ sông Hồng. Về thiết kế Đập Đáy, người Pháp đã chọn từ 33 đồ án thiết kế của 8 hãng thầu, cuối cùng quyết định chọn đồ án xây đập kết cấu nhẹ và cửa kiểu mái nhà với 7 cửa, chiều rộng mỗi cửa là 33,75m. Năm 1974 Bộ Thuỷ Lợi (nay là Bộ NN & PTNT) giao nhiệm vụ cho Viện Thiết Kế Thuỷ Lợi (tiền thân của HEC-1) cải tạo và nâng cấp đập cũ. Dự án cải tạo thành công Đập Đáy là một thành tựu KHKT lớn của ngành Thuỷ lợi trong các lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo cơ khí và xây dựng.

Cống Cẩm Đình là một cống lớn, xây dựng năm 2002. Vị trí của cống nằm tại tuyến đê Vân Cốc, thuộc địa phận xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Hà Nội. Cống Cẩm Đình có 3 khoang, trong đó có 2 khoang bề rộng là 6m, khoang còn lại bề rộng là 8m. Cống được thiết kế 2 tầng, mùa lũ sẽ mở cửa xả ở tầng trên. Lưu lượng lũ thiết kế vào mùa kiệt là 36,24 m3/s, còn lưu lượng thiết kế vào mùa lũ là 70 m3/s. 

Tuyến đê Vân Cốc qua địa bàn huyện Đan Phượng dài 6,7km, là tuyến đê cấp I kết hợp giao thông, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão của huyện, góp phần bảo vệ Thủ đô trong mùa mưa bão.

Chuyến tham quan đầy thú vị và bổ ích, còn giúp cho tình cảm các giữa bạn lớp 61C càng thêm sôi nổi và đoàn kết. Việc kết hợp họp lớp định kỳ và tham quan thực tập công trình là câu chuyện thực tế và rất thú vị của sinh viên ngành KTXD Công trình thủy, Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
124