Vì sao đến học KTXD Công trình thủy tại Thủy lợi::Tầm nhìn đến năm 2050 của công tác phòng, chống thiên tai và thủy lợi

1. Các vấn đề tồn tại của công tác phòng chống thiên tai và thủy lợi cần giải quyết

Công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề tồn tại do cả các yếu tố chủ quan và khách quan, yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại... Tất cả các tồn tại này đều xảy ra hầu hết các vùng và là các vấn đề cần giải quyết trên phạm vi toàn quốc. Trong đó nổi bật lên các nhóm vấn đề liên quan đến:

- Biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan: ảnh hưởng đến toàn diện đến các lĩnh vực thuộc công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai như tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước, phòng chống lũ và các loại hình thiên tai khác do nước gây ra.

- Năng lực công trình (thiếu, xuống cấp, bị tác động): Vấn đề các hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bị xuống cấp, suy giảm năng lực phục vụ được xác định ở phạm vi toàn quốc.

- Tác động của hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến nhu cầu phục vụ, yêu cầu bảo vệ... và có tác động đến năng lực hoạt động của các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

2. Dự báo xu thế nguồn nước và tác động đến hoạt động thủy lợi và phòng, chống thiên tai

Sự biến đổi các yếu tố khí hậu và biến đổi nguồn nước thể hiện rõ nhất ở sự thay đổi dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ, mùa cạn: Theo kịch bản RCP 8.5: đến năm 2030, dòng chảy năm có thể tăng đến 2-14%, trong đó dòng chảy mùa lũ tăng 3÷16%, dòng chảy mùa cạn giảm 1,7 – 2,4% ở các sông vùng Bắc Bộ và thượng nguồn sông Ba, tăng 2-13% ở các lưu vực sông khác; Đến năm 2050, dòng chảy năm có thể tăng 3-17%, trong đó dòng chảy mùa lũ tăng 4-17%, dòng chảy mùa cạn tăng 3-17%; trong đó tăng nhiều nhất là các sông vùng Đông Bắc, vùng Bắc Trung bộ.

Dòng chảy đỉnh lũ: Theo kịch bản RCP 4.5: đến năm 2030, dòng chảy lũ các vùng có thể tăng đến 3-13%, đến năm 2050 có thể tăng 4-17%; Theo kịch bản RCP8.5, đến năm 2030 tăng 1-11%; đến 2050 tăng 4-19%; Cả 2 kịch bản dòng chảy lũ tăng nhiều nhất ở các sông vùng Bắc Trung Bộ.

3. Dự báo tác động của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến tính bền vững của hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Biến động cực đoan của các yếu tố khí tượng, thủy văn sẽ tác động mạnh mẽ đến hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi:

- Về an toàn công trình:

+ Mưa lũ cực đoan gây nguy cơ cao mất an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập, đê sông và đê biển ... như vỡ đập, sạt lở, vỡ đê sông, hư hỏng đê biển, hỏng hóc công trình thủy lợi.

+ Hạn hán, thiếu nước cũng gây ra sự mất ổn định công trình thủy lợi, hồ chứa, ổn định lòng sông, bờ sông, kênh mương và công trình đê điều.

 

- Về quy mô công trình: Lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, úng, hay hạn hán cực đoan dẫn tới gia tăng yêu cầu về trữ nước, cấp nước, tiêu thoát nước và phòng, chống lũ cũng như đảm bảo an toàn trước các thiên tai khác, đòi hỏi các công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai phải nâng mức đảm bảo phục vụ, qua đó làm tăng quy mô công trình.

- Xu thế hạ thấp mực nước trên các dòng sông lớn: Với diễn biến hạ thấp đáy sông như hiện nay cùng với xu thế khai thác nguồn nước, tài nguyên và các hoạt động phát triển kinh tế khác.

- Với Đồng bằng sông Cửu Long, sụt lún đất tiếp tục tăng làm gia tăng nguy cơ ngập úng, xâm nhập mặn rất lớn. Tốc độ sụt lún được tính toán, dự báo là 1,5÷3cm/năm. Diện tích có cao độ nhỏ hơn 1,0m hiện tại khoảng 2,37 triệu ha chiếm khoảng 60,7% toàn vùng. Đến năm 2030, diện tích này tăng lên 2,8 triệu ha chiếm khoảng 71,8%, đến năm 2050 tăng lên 3,1 triệu ha chiếm khoảng 80,5%. Đối với Hà Nội và các thành phố lớn khác tuy mức độ sụt lún đất là không lớn nhưng cũng cần tính đến các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.

4. Đề xuất các giải pháp

1) Giải pháp công trình:

a) Khắc phục vấn đề thiếu nguồn nước:

- Xây dựng mới các hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm tại những nơi có điều kiện thuận lợi.

- Nâng cao dung tích trữ của các hồ chứa hiện có để bổ sung nguồn nước.

- Xây dựng các công trình để kết nối, điều hòa, chuyển nước cấp cho các khu vực ở xa nguồn nước, các khu vực thiếu nguồn nước.

- Sử dụng nước sau hồ thủy điện cho sinh hoạt và sản xuất các khu vực đất dốc, các vùng tập trung cây ăn quả....

b) Nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi:

Nâng cấp các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh, tập trung vào nâng cấp công trình đầu mối, hệ thống kênh chính để đảm bảo năng lực thiết kế... của các hệ thống thủy lợi liên tỉnh.

 

c) Giải quyết vấn đề hạ thấp mực nước:

- Trong giai đoạn trước mắt tập trung hoàn thiện cải tạo, xây dựng mới các công trình đầu mối của các hệ thống thủy lợi lớn thuộc lưu vực sông để có thể lấy được nước trong điều kiện mực nước sông bị hạ thấp.

- Về lâu dài, xây dựng một số công trình để dâng mực nước trên dòng chính đối với các lưu vực sông khó khăn về giải pháp điều tiết nguồn nước, diễn biến hạ thấp mực nước phức tạp và nguy cơ xâm nhập mặn cao.

 

d) Giải quyết ô nhiễm môi trường nước các hệ thống thủy lợi:

- Thu gom, xử lý các nguồn gây ô nhiễm chính trước khi xả thải vào công trình thủy lợi, nhất là các hệ thống thủy lợi thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Đông Nam Bộ.

- Nâng cấp các công trình đầu mối đảm bảo lấy nguồn nước vào các hệ thống thủy lợi, tăng khả năng tự làm sạch.

 

e) Kiểm soát mặn, tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển:

- Xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước cửa sông lớn để chủ động kiểm soát mặn, chủ động cấp ngọt, bổ sung nước ngọt ra vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

f) Đề xuất các giải pháp phòng, chống lũ, sạt trượt

- Giải pháp điều tiết lũ tại các hồ chứa thượng lưu; Củng cố đê điều: chú trọng đầu tư, củng cố, nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống đê điều, bảo đảm an toàn chống lũ, kết hợp phát triển kinh tế, xã hội; Cải tạo lòng dẫn: nạo vét lòng sông, cửa sông tại những vị trí bị bồi lắng cục bộ để tăng khả năng thoát lũ, …

- Mở rộng và ổn định các cửa sông, chỉnh trị sông nhằm tăng cường khả năng thoát lũ cho các cửa lưu vực sông, …

- Tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cấp và xây mới các tuyến đê biển, đê cửa sông xung yếu, …

- Xây dựng các giải pháp tường chắn, kè hộ chân mái núi, phân bậc mái dốc, nêm cố định mái trượt...; Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, …

 

2) Giải pháp phi công trình:

- Củng cố, kiện toàn các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi để quản lý, khai thác tối đa hiệu quả, đồng thời bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi. Triển khai hiệu quả cơ chế tài chính, cơ chế giá trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo các tổ chức khai thác công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả, bền vững.

- Điều tiết, khai thác hiệu quả nguồn nước các hồ thủy điện để bổ sung nguồn nước cho các hệ thống thủy lợi và cấp nước sinh hoạt, sản xuất tại các vùng khan hiếm nước; Nâng cao hiệu quả cắt lũ của hệ thống hồ chứa: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo hài hòa các lợi ích về phòng chống lũ, an ninh năng lượng (sản xuất điện năng) và cấp nước mùa kiệt; Xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối phó với tình huống lũ trên sông vượt lũ thiết kế hoặc xảy ra các sự cố hồ chứa ở thượng lưu; Xây dựng mới, nâng cao dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn, nhằm tăng khả năng cắt giảm lũ hạ du các lưu vực sông; Tăng cường quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo; Tổ chức hộ đê, Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ đê điều, …

- Quản lý và xử lý nước thải vào công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước. Vận hành công trình thủy lợi hợp lý để khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Tiếp tục tiến hành giám sát, dự báo chất lượng nước trên các hệ thống thủy lợi phục vụ quản lý, điều hành, …

- Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện chất lượng rừng để nâng cao khả năng trữ và điều tiết nước tự nhiên, …

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa quản lý, vận hành công trình thủy lợi; dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước...

- Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du  các hồ chứa ứng với các kịch bản xả lũ và vỡ đập, bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão, bản đồ ngập lụt các lưu vực sông, …

- Xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội, …

 

Như vậy, chỉ tính riêng mức đầu tư cho các giải pháp công trình xây mới, cải tạo hồ chứa thuộc lĩnh vực thủy lợi từ nay đến năm 2050 thì mức đầu tư là trên 81 nghìn tỷ; chương trình PCTT lớn là 250 nghìn tỷ, chưa tính đến các chương trình và giải pháp phi công trình như đã nêu. Có thể nói, nhiệm vụ kỹ thuật cho công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai chưa bao giờ ít đi mà càng ngày càng tăng, cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu rủi ro với cộng đồng. Điều này đặt ra bài toán đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai là rất cấp thiết vào những năm tới.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
947