Các vấn đề đang được quan tâm ở thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Sáng ngày 08/6/2021, tại Văn phòng Khoa Công trình - Trường Đại học Thủy lợi, dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hữu Huế, Trưởng khoa và PGS.TS Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa cùng các thầy cô trong Khoa đã tổ chức buổi họp thảo luận những vấn đề đang được quan tâm hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh và các Đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với tình hình thực tế hiện nay, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với các thách thức mới, đặc biệt là tình hình Biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, triều cường diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, làm mất an toàn, xáo trộn cuộc sống người dân. Trong khi đó, công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản và thiên tai, cũng như các công trình còn hạn chế.

Theo báo cáo nghiên cứu của tổ chức Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications, có chi tiết ít nhiều “gây sốc” đối với chúng ta: “Trong vòng 30 năm tới, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới. Một phần lớn miền nam Việt Nam sẽ có nguy cơ ngập dưới đỉnh triều dự kiến vào năm 2050 và có thể bị lũ lụt thường xuyên nếu không có hệ thống bảo vệ ven biển”.

Qua trao đổi, thảo luận, các thầy cô đều nhất trí và nhấn mạnh rằng, để khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức này, cần các chuyên gia, các nhà khoa học phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn định lượng thiệt hại do ngập úng tại Thành phố HCM và Vùng ĐBSCL. Để giải quyết vấn đề chống ngập Vùng ĐBSCL thì cũng cần phải phân vùng tác động ngập lụt theo đặc điểm, tính chất ngập lụt của từng khu vực cụ thể, ví dụ: khu vực ĐồngTháp Mười, khu vực giữa Sông Tiền - Sông Hậu, khu vực Bán Đảo Cà Mau, khu vực Tứ Giác Long Xuyên, khu vực Thành phố Cần Thơ,….  Từ đó đề xuất giải pháp chống ngập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, điều kiện biến đổi khí hậu và sụt lún.

Theo đó, Thành phố HCM và hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh trong toàn vùng góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

 

Một số hình ảnh buổi sinh hoạt chuyên môn:

 

 

 

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
596