Nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực thủy điện sau khi có Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045)

Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về thủy điện. Trong ba thập kỷ trở lại đây và đặc biệt là trong giai đoạn từ 2000 đến 2015, các công trình thủy điện lớn trên các hệ thống sông lớn ở Việt Nam đã được xây dựng và vận hành góp phần quan trọng cung cấp nguồn điện trong công cuộc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn này kỹ sư ngành công trình, công trình thủy điện có mặt trên hầu hết các công trình trọng điểm như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng…Hiện nay, nước ta cơ bản đã khai thác hết tiềm năng kỹ thuật của thủy điện trên các hệ thống sông lớn, chỉ còn các trạm thủy điện nhỏ được đưa vào quy hoạch xây dựng.

Hình 1. Công trình thủy điện Sơn La [2400MW]

Sự phát triển công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi nhu cầu điện là rất lớn nên cơ cấu nguồn điện tăng mạnh về công suất. Do tiềm năng thủy điện không còn nhiều và nhiệt điện phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu trong khi điện hạt nhân không được đưa vào quy hoạch do tiềm ẩn nguy hiểm cho môi trường nên xu hướng phát triển mạnh vào các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là tất yếu. Trong Quy hoạch điện VII nguồn năng lượng tái tạo được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống điện từ năm 2025 trở đi và đến năm 2030 có thể chiếm khoảng 21% nguồn cấp điện trong hệ thống điện. Trong khi đó nhiệt điện than và khí đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống điện chiếm tỷ lệ trên 55%. Để đáp ứng được các thành phần công suất đó thì hệ thống điện Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu than, tuy nhiên nguồn than khoáng sản trong nước hiện nay không đáp ứng đủ cho các nhà máy nhiệt điện và cần phải nhập khẩu than từ nước ngoài. Ước tính Việt Nam cần phải nhập một con số khổng lồ khoảng 80 triệu tấn than năm 2025 và 135 triệu tấn năm 2030 [1].

Dự thảo Quy hoạch điện VIII tiếp tục tăng tỷ trọng nguồn điện gió, điện mặt trời và nhiệt điện. Cơ cấu công suất nguồn cấp điện được thể hiện trong dự thảo đề án Quy hoạch điện VIII như trong hình 2[2]. Thực tế, từ năm 2018 do có cơ chế hỗ trợ giá (FIT) của Chính phủ nên các dự án điện mặt trời, mặt trời áp mái, điện gió được xây dựng rất nhiều ở khu vực miền Nam Trung Bộ tuy nhiên khu vực này lại có nhu cầu dùng điện thấp và lưới truyền tải điện kém nên có sự mất cân đối giữa cung cấp và truyền tải điện. Ngoài ra đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột leo thang tại Nga và Ucraina nên làm giá nhiên liệu tăng nhanh, nguồn nhập khẩu than cũng khan hiếm nên một số nhà máy nhiệt điện phải ngừng hoạt động. Điều đó cho thấy cơ cấu nguồn phụ thuộc vào nhiệt điện và nguồn năng lượng tái tạo cũng còn nhiều bất cập.

Hình 2. Cơ cấu công suất nguồn cấp điện trong dự thảo đề án Quy hoạch điện VIII (trước COP-26)[2]

Tháng 11/2021 Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” năm 2050. Để thực hiện cam kết này thì cần phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn cấp điện bằng cách giảm nguồn công suất nhiệt điện và tăng thêm tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo cũng đặt ra thách thức lớn cho hệ thống điện do các nguồn năng lượng như mặt trời, gió thường phát điện lớn nhất vào các giờ không phải là cao điểm dùng điện và hiện nay chưa có công nghệ tích trữ nguồn năng lượng này. Nhu cầu dùng điện giảm vào buổi trưa và tăng nhanh vào chiều tối trong khi điện mặt trời lại phát tốt vào buổi trưa, còn buổi tối thì không phát được trong khi điện gió lại phát tốt vào buổi đêm khi nhu cầu dùng điện là thấp nhất. Do sự phát điện không theo nhu cầu dùng điện nên sẽ gây ra tình trạng lúc thừa điện và lúc thì thiếu điện vào giờ cao điểm do đó cần phải có thủy điện hoặc thủy điện tích năng để cân bằng công suất trên hệ thống điện.

Theo báo cáo Quy hoạch điện VIII (sau COP-26), tỷ trọng thủy điện tích năng có thể lên đến 7,5% năm 2045 (tương ứng với 37800 MW); mở rộng và xây dựng mới các nhà máy thủy điện [3]. Hiện nay đã có nhiều nhà máy thủy điện tích năng công suất lớn trên 1000MW đã được đưa vào quy hoạch và sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới. Vào tháng 01/2020 Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đã khởi công xây dựng Thủy điện tích năng Bác Ái (1200MW, Ninh Thuận). Song song với đó, việc mở rộng các nhà máy thủy điện đang được triển khai như Yaly mở rộng, Hòa Bình mở rộng,.... Sự bổ sung nguồn thủy điện và thủy điện tích năng lớn nên trong giai đoạn 2025-2045 sẽ đòi hỏi nguồn vốn lớn và nhân lực lớn về lĩnh vực thủy điện và công trình thủy trong giai đoạn này.

Hình 3. Nhà máy thủy điện tích năng Geesthacht, Đức

Qua đó có thể thấy nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng thủy điện-thủy điện tích năng trong tương lai gần là rất lớn. Với xu hướng sinh viên theo học các ngành Công trình thủy giảm như hiện nay thì sau khi Quy hoạch điện VIII thực hiện sẽ thiếu nguồn nhân lực để thực hiện các dự án thủy điện này. Hiện nay, ngành Công trình thủy khoa Công trình trường Đại học Thủy lợi đào tạo các sinh viên học chuyên ngành Thủy điện và Năng lượng tái tạo, có đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm, tâm huyết đã đào tạo được nhiều khóa kỹ sư công trình khi ra trường làm việc trên các công trường lớn nhỏ trên khắp mọi miền của đất nước và đây là sự lựa chọn hợp lý của các bạn học sinh THPT đang băn khoăn về các lựa chọn ngành nghề để sau này có công việc ổn định, thu nhập cao.

Tài liệu tham khảo:

[1] Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng, Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đên năm 2030, 2016.

[2] Viện Năng Lượng, Dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo QHĐ VIII), 2021.

[3] Văn phòng chính phủ, Báo cáo về Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), 2022.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
270