Phó Thủ tướng Chính phủ: Rất nhiều khu vực sạt lở đất không có thủy điện!
Liên quan đến câu chuyện về thủy điện trong đợt mưa lũ tại miền Trung, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra sáng 30/10/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - người thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung và vừa trở về từ vùng lũ - đã yêu cầu các cơ quan báo chí cần thông tin khách quan nguyên nhân mưa lũ.
Những ngày qua, khi cả nước dồn sức cùng đồng bào các tỉnh miền Trung gồng mình vượt qua những thử thách to lớn từ đợt mưa lũ chưa từng có trong hàng chục năm qua, bên cạnh việc dòng thông tin chủ lưu phản ánh những nỗ lực ấy cũng xuất hiện những dòng thông tin đề cập đến nguyên nhân của tình hình. Ngoài những thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu, tính bất thường của thời tiết khi các yếu tố gây bất lợi và tác hại của thời tiết cùng hội tụ, có không ít thông tin quy kết đổ lỗi của các công trình, dự án thủy điện.
Câu chuyện này tuy không mới nhưng xuất hiện liên tục với tần xuất cao trên một số phương tiện báo chí chính thống, có lúc đượm màu cực đoan trong khi được cộng hưởng thêm từ mạng xã hội theo lối “bản cũ soạn lại”. Những luồng thông tin đó làm phức tạp thêm tình hình, làm lu mờ các nỗ lực hiện tại của các cơ quan Chính phủ cả trước đây và hiện tại, khiến dư luận không được cung cấp một điểm nhìn chuẩn xác.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 |
Đáng chú ý, bên cạnh đa số chuyên gia có những phân tích khoa học, khách quan về thuỷ điện, cùng chung tay với các cơ quan hữu quan Chính phủ để tạo thêm sự đồng thuận, tin tưởng của dư luận vào sự điều hành của Chính phủ thì cũng có nhiều chuyên gia có những ý kiến trái chiều, phát biểu theo "trào lưu", thậm chí mang tính cực đoan.
Thế nên ngay tại phiên họp Chính phủ ngày 30/10/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, người mới hôm qua còn ở tâm lũ trong phát biểu tại phiên họp đã rất thẳng thắn khi yêu cầu phải chấm dứt tình trạng Chính phủ làm nhiều việc nhưng vẫn có những thông tin sai, không đúng. Ở đây, điều được Phó Thủ tướng nêu lên tại bàn họp của Chính phủ là các nhà khoa học, các cơ quan cần phải "có ý kiến, cần lên tiếng", nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
|
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần thông chính xác nguyên nhân của mưa lũ, không thể đổ lỗi cho thuỷ điện |
Trực tiếp đề cập đến câu chuyện “nóng” trong mắt dư luận về vai trò của thủy điện, nhất là các công trình thủy điện nhỏ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có những ý kiến dứt khoát.
“Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều - đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết “Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước” - Phó Thủ tướng nói.
Trên phương diện của người "mắt thấy tai nghe", Phó Thủ tướng khẳng định, mưa thì nước lên, không có thủy điện thì nước càng lên mạnh. Thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn. “Nhưng không hề thấy nói về hồ thủy lợi” – Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng, một số hồ thủy lợi còn hơn cả hồ thủy điện. Ở đây đổ lỗi cho Chính phủ, chính quyền là không khách quan.
Cùng đó, Phó Thủ tướng cho rằng, một số mạng xã hội, thông tin trên báo chí đã đổ lỗi cho chặt rừng dẫn đến sạt lở đất, đổ lỗi cho thủy điện làm sạt lở đất là không khách quan. “Thủy điện Rào Trăng 3, sạt lở đất không phải ở phía thủy điện. Thủy điện ở đó đang xây dựng chứ không phải thủy điện làm rồi. Còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không có thủy điện” - ông Dũng nói.
Để minh chứng thêm cho các nhận định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần dẫn ra ở đây thông tin mới nhất từ Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương). Theo đó, thời điểm hiện tại, tình hình vận hành hồ chứa thủy điện, các hồ nhỏ diễn ra bình thường, các hồ lớn mực nước đã xấp xỉ mức mực nước dâng bình thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đang chỉ đạo vận hành đảm bảo an toàn công trình và hạ dần mức nước để tăng khả năng phòng lũ. Lưu lượng xả/ lưu lượng về hồ (m3/s) các lưu vực sông bị ảnh hưởng bão số 9 tại lưu vực sông Cả: Chi khê: 1040/1413; Hố Hô: 225/252; Hủa Na: 528/820; Hương Sơn: 21/30; Khe Bố: 723/1210; tại sông Rào Quán: Quảng Trị: 45/65; lưu vực sông Hương: A Lưới: 42/82; Bình Điền: 157/306; Hương Điền: 301/248; lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Đắc Mi 4: 280/252, Sông Tranh 2: 101/330, Sông Bung 4: 59/219; lưu vực sông Ba: sông Ba Hạ: 400/825; lưu vực các sông Trà Khúc; sông Sê San; sông Đồng Nai: các hồ thủy điện vận hành ở chế độ bình thường.
Như vậy, tình hình vẫn hoàn toàn nằm trong các kịch bản kiểm soát, kể cả với mưa lũ đã qua và mưa lũ sắp đến.
Mưa lũ do thời tiết dù có nguy hại, khốc liệt rồi cũng phải qua đi. Nhưng việc chung tay ngăn không để những “mưa lũ” dư luận luôn là điều cần được quan tâm ngăn chặn. Không tạo nên một thứ “lũ chồng lũ”. Ở đây nhận xét của Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng là xác đáng khi nhấn mạnh rằng, không để tình trạng Chính phủ làm nhiều việc, nhưng vẫn có những thông tin sai, không đúng quả là hết sức thấm thía và càng cần được quan tâm, ít nhất là từ góc độ các Bộ đã được Phó Thủ tướng nêu tên như trên.