Thành tích đào tạo
1. Từ ngày thành lập đến nay, Khoa Công trình đã không ngừng cải tiến nội dung chương trình và phương pháp tổ chức đào tạo. Hệ thống đào tạo của khoa đã được xây dựng như sau:
- Các bậc đào tạo: cao đẳng, đại học, liên thông cao đẳng – đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
- Các hệ đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học (trước đây là hệ tại chức).
- Học chế: từ khóa 48 trở về trước – đào tạo theo niên chế, từ khóa 49 trở về sau – đào tạo theo tín chỉ.
- Về ngành nghề, từ hệ thống chương trình đào tạo với sự chuyên môn hóa theo ngành hẹp, Khoa Công trình đã từng bước xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo ngành rộng và có tính mềm dẻo thông qua các môn học tự chọn để người học có thể định hướng chuyên ngành hẹp của mình. Hệ thống ngành nghề của Khoa Công trình hiện nay như sau:
a) Đào tạo Tiến sĩ – có các chuyên ngành:
- Kỹ thuật xây dựng công trình thủy.
- Địa kỹ thuật xây dựng.
- Quản lý xây dựng.
- Cơ học vật rắn.
b) Đào tạo Thạc sỹ - có các chuyên ngành:
- Kỹ thuật xây dựng công trình thủy.
- Kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.
- Địa kỹ thuật xây dựng.
- Quản lý xây dựng.
- Công trình thủy bền vững (Đào tạo bằng tiếng Anh - hợp tác với ĐH Leige - Vương quốc Bỉ).
c) Đào tạo Kỹ sư – có các ngành:
- Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, với các chuyên ngành: Kỹ thuật công trình thủy; Thủy điện và công trình năng lượng; Công trình Cảng Đường thủy; Kỹ thuật biển.
- Kỹ thuật xây dựng, với các chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Địa kỹ thuật và công trình ngầm.
- Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông với các chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng đường bộ và sân bay; Kỹ thuật xây dựng cầu hầm.
- Công nghệ kỹ thuật xây dựng
- Kỹ thuật xây dựng – chương trình tiên tiến, hợp tác với Đại học Arkansas (Hoa Kỳ), bắt đầu mở từ năm 2010 đào tạo các chuyên ngành: Công trình giao thông; Công trình thủy lợi; Quản lý xây dựng; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Kỹ thuật môi trường; Địa kỹ thuật.
d) Đào tạo cử nhân cao đẳng: ngành kỹ thuật công trình xây dựng.
e) Đào tạo liên thông cao đẳng – đại học: ngành kỹ thuật công trình xây dựng.
2. Kết quả từ ngày thành lập đến nay ngành Công trình đã đào tạo cho đất nước hơn 800 cử nhân cao đẳng, 8400 Kỹ sư, 650 Thạc sĩ, 27 Tiến sĩ. Khoa Công trình thường xuyên có mối liên hệ với các cơ quan sản xuất và sử dụng cán bộ được đào tạo từ ngành Công trình để đúc rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu từ thực tiễn sản xuất và đời sống.
3. Các Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ được đào tạo từ ngành Công trình đã và đang là các cán bộ cốt yếu trong ngành Thủy lợi và nhiều ngành có liên quan trên khắp mọi miền của Tổ quốc, trong đó có nhiều người đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, trong các đơn vị quản lý và sản xuất kinh doanh. Nhiều thầy giáo trong khoa đã làm chuyên gia giảng dạy tại các nước Madagasca, Angieri, Công gô, Lào…được các nước bạn đánh giá cao.
4. Đặc điểm nổi bật của Khoa Công trình là việc chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước. Hàng năm đã tổ chức các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi và lập các đội tuyển tham dự Olympic Toán học, Tin học và Cơ học toàn quốc. Từ năm 1989 đến nay đã có trên 90 lượt sinh viên Khoa Công trình đạt các giải cao trong các kỳ thi Olympic toàn quốc chiếm gần 90% tổng số sinh viên đoạt giải của toàn trường. Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học được duy trì đều đặn, hàng năm đã tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên của Khoa với bình quân 25 – 30 báo cáo, số sinh viên đạt giải NCKH cấp trường từ 6 – 10 giải hàng năm, nhiều sinh viên đạt giải NCKH cấp Bộ và giải VIFOTEC. Ngoài ra các cán bộ chuyên môn cũng đã đầu tư hướng dẫn các sinh viên dự thi Đồ án tốt nghiệp xuất sắc (giải Loa Thành) do Bộ giáo dục và đào tạo, Tổng hội Xây dựng và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, kết quả đã có 50 sinh viên trong Khoa đã đạt giải trong các kỳ thi đã tổ chức.