Dự án Mangrove Living Lab, hợp tác giữa Đại học Thủy lợi (Việt Nam) và Đại học TU Delft (Hà Lan), là một nỗ lực tiên phong nhằm tìm kiếm các giải pháp bền vững cho vấn đề bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khuôn khổ của dự án này, Môn học Thực tập liên ngành được tổ chức như một hoạt động thực tế nhằm thúc đẩy sự trao đổi kiến thức và ứng dụng các giải pháp liên ngành vào thực tiễn. Nhóm sinh viên của Trường TUDelft, Hà Lan đăng ký tham gia Thực tập liên ngành tại Trường Đại học Thủy lợi năm nay bao gồm sáu sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau của Đại học TU Delft. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên từ Đại học TU Delft và Đại học Thủy Lợi, nhóm đã tiến hành một nghiên cứu mang tên "Uncovering Mangrove Successfulness in the Mekong Delta," với mục tiêu khám phá và đánh giá các yếu tố quyết định sự thành công trong các biện pháp bảo tồn rừng ngập mặn ở khu vực này.
Nhóm sinh viên trường TU Delft tại Đại học Thủy lợi
Nhóm SV Hà Lan đã tập trung vào việc phân tích các yếu tố môi trường và xã hội ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và phát triển của rừng ngập mặn trước tình trạng xói mòn đất, biến đổi khí hậu và tác động từ các hoạt động kinh tế địa phương tại tỉnh Bạc Liêu. Nhóm đã dành hai tuần thực địa tại khu vực Nhà Mát, tỉnh Bạc Liêu, nơi có các hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng nhưng đang chịu áp lực lớn từ các hoạt động kinh tế địa phương. Tại đây, các sinh viên tiến hành các đo đạc chi tiết về địa hình đáy biển, lấy mẫu đất và theo dõi mực nước tại nhiều điểm khác nhau trong khu vực rừng ngập mặn nhằm xác định các yếu tố vật lý cản trở hoặc thúc đẩy sự phát triển của cây ngập mặn.
Nhóm sinh viên trường TU Delft tiến hành nghiên cứu tại Bạc Liêu
Đồng thời, các sinh viên cũng tiến hành các cuộc phỏng vấn với người dân nuôi tôm và đại diện chính quyền tại địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu. Các cuộc phỏng vấn này cung cấp thông tin quan trọng về cách mà cộng đồng địa phương nhận thức về những thách thức môi trường họ đang đối mặt, cũng như những khó khăn trong việc bảo vệ sinh kế lâu dài. Những chia sẻ từ người dân giúp nhóm nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về tác động của sự suy thoái rừng ngập mặn đối với đời sống, từ đó xác định những mong muốn và kỳ vọng của cộng đồng trong công tác bảo tồn.
Sự phối hợp của giảng viên Đại học Thủy lợi, sinh viên trường TU Delft và địa phương
Thông qua sự kết hợp giữa dữ liệu thực nghiệm và ý kiến từ cộng đồng địa phương, nghiên cứu làm nổi bật các yếu tố cần thiết cho một chiến lược bảo tồn bền vững. Kết quả sơ bộ cho thấy, ngoài các yếu tố về địa hình và môi trường, sự tham gia và cam kết của cộng đồng cũng đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi rừng ngập mặn. Nghiên cứu này không chỉ đóng góp kiến thức khoa học về bảo tồn rừng ngập mặn mà còn tạo nền tảng cho các chiến lược phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Nhóm sinh viên trường TU Delft tại Văn phòng khoa Công trình
Nhóm sinh viên trường TU Delft tại Văn phòng khoa Công trình