Điều tra vết lũ lịch sử tháng 10/2020 tại tỉnh Quảng Bình

Bạn đã bao giờ bắt gặp ký hiệu như thế này ở trên tường nhà, hàng rào hay cột điện ở ngoài thực tế chưa? Bạn có hiểu các ký hiệu là gì và ý nghĩa của nó như thế nào chưa?

Đây là ký hiệu đánh dấu vết lũ do các thầy cô Khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi thực hiện tại Quảng Bình trong tháng 1/2021. Ký hiệu hình tam giác đều ngược cùng đường kẻ ngang minh họa cho mực nước lũ cao nhất (mực nước tĩnh) trong thời gian xảy ra đỉnh lũ, còn hàng chữ dưới cùng là ký hiệu cho vị trí đánh dấu vết lũ (QN = huyện Quảng Ninh) và số hiệu điểm vết lũ (309) trong rất nhiều vị trí đã được điều tra và đánh dấu. Các ký hiệu vết lũ có ý nghĩa quan trọng đối với nghiên cứu xây dựng các bản đồ ngập lụt thực tế (thay vì bản đồ được giải đoán từ ảnh vệ tinh), đặc biệt là các trận lũ lịch sử nhằm phục vụ nghiên cứu, định hướng quy hoạch phát triển KT-XH ở một khu vực nhất định.

Chắc các em đã biết vào tháng 10 năm 2020, tỉnh Quảng Bình là nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi liên tiếp hứng chịu 2 đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến 21/10/2020. Toàn bộ vùng đồng bằng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh trên lưu vực sông Nhật Lệ đều bị ngập sâu, có nơi lên tới 4 đến 5 m và kéo dài hơn 10 ngày. Ngay sau lũ, các thầy cô khoa Công trình đã về làm việc tại Quảng Bình và tìm hiểu, đánh giá nhanh hiện trạng ngập lụt kéo dài của đợt lũ lịch sử này. Sau đó nhà trường vinh dự được Bộ NN&PTNT giao thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài do lũ và định hướng giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh” để góp phần sớm tìm ra giải pháp thoát lũ ra biển cho vùng đồng bằng Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Trong tháng 1/2021, 5 nhóm thực địa đã điều tra và đo đạc được gần 600 vết lũ, 200 biên ngập và 819 điểm địa hình tại các huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới, tiến hành phỏng vấn, điều tra hơn 200 người dân và hộ gia đình tại các vùng bị ngập lụt. Các kết quả điều tra và khảo sát thực địa đã được sử dụng để xây dựng bản đồ vết lũ & ngập lụt thực tế với tỷ lệ 1:10.000 cho huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, góp phần đánh giá đầy đủ và chính xác hiện trạng ngập lụt của trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2020, góp phần xây dựng các phương án thoát lũ ra biển cho vùng đồng bằng Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Bản đồ ngập lụt khu vực nghiên cứu

Hình ảnh thực địa khảo sát & đo đạc vết lũ & biên ngập

Hình ảnh thực địa điều tra vết lũ & biên ngập

Người viết: PGS.TS. Trần Thanh Tùng và TS. Nguyễn Quang Lương – Khoa Công trình, Trường ĐH Thủy lợi

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
810