Trường Đại học Thủy lợi phối hợp với Thị ủy Thị xã Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu giải pháp tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Hà Nam thuộc thị xã

Chiều ngày 09/8, Đoàn công tác Trường Đại học Thủy lợi đã phối hợp Ban Thường vụ Thị ủy Quảng Yên nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực Hà Nam, TX Quảng Yên có tính biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chủ trì:

- Ban Thường vụ Thị ủy Quảng Yên;

- Đoàn công tác Trường Đại học Thủy lợi.

Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng - Trưởng khoa Công trình, Viện trưởng viện Kỹ thuật công trình

Quang cảnh buổi làm việc

Quảng Yên nằm ở khu vực cửa sông, gần biển, phần lớn diện tích được bao bọc, bảo vệ bởi hệ thống các tuyến đê dài 70km, hệ thống bãi triều ngoài đê có hơn 3.000ha đầm nuôi trồng thủy sản.... Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, Quảng Yên đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông, KCN, dẫn đến chế độ thủy văn, dòng chảy thay đổi làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành của hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn toàn thị xã nói chung, nhất là khu vực Hà Nam. Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cho việc tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có tính đến sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết của TX Quảng Yên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Lê Long, Chủ nhiệm đề tài, đã giới thiệu và báo cáo tiến độ thực hiện Đề tài. Nhấn mạnh thực trạng toàn bộ khu vực Hà Nam của TX Quảng Yên hiện hầu như chưa có hệ thống thoát nước mưa, chủ yếu là chẩy tràn trên bề mặt tự nhiên và thoát ra kênh rạch, ao hồ xung quanh khu dân cư, một số cụm dân cư đã xây rãnh thoát nước chung kiểu tự xây nhưng không đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước, nhiều chỗ ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.

PGS.TS Ngô Lê Long, cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân xẩy ra tình trạng ngập lụt khu vực Hà Nam: lượng mưa lớn; thủy triều; cao độ địa hình thấp, hệ thống tiêu thoát nước đã cũ, xuống cấp, nhiều tuyến cống trong khu dân cư bị lấn chiếm, bị bồi lấp...; tốc độ đô thị hóa nhanh; chưa có quy trình vận hành khoa học cho 9 cống tiêu đầu mối; hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước đầu tư manh mún, chưa khớp nối đồng bộ; công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét các tuyến kênh chưa được đầu tư kịp thời; nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn chế.

Các đại biểu dự họp nghiên cứu bằng bản đồ kết quả mô phỏng hiện trạng ngập lụt khu vực Hà Nam

Một số định hướng và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Xây dựng hệ thống thoát nước chung các khu dân cư Nam Hòa, Phong Hải, Liên Vị. Các tuyến cống bao thu gom nước thải từ các cống hiện hữu dẫn về tuyến cống chính (theo Quy hoạch mới) và đưa về trạm xử lý; trạm xử lý phân kỳ xây dựng theo các giai đoạn; xây dựng các giếng tách nước mưa trên các tuyến cống bao chạy dọc theo các kênh thoát nước. Xây dựng hệ thống thoát nước riêng  cho các khu dân cư mới.

Giải pháp ngập lụt: cải tạo, nâng cấp các tuyến thu gom nước mưa hiện có tại các tiểu khu để đảm bảo không bị ngập với  trận mưa có chu kỳ lặp lại 2 năm; Cải tạo các kênh, nhánh thu gom nước mưa hiện có để đảm bảo không bị ngập với trận mưa có chu kỳ lặp lại 5 năm; Cải tạo các kênh, sông chính thu gom nước mưa hiện có để đảm bảo khôn bị ngập với trận mưa có chu kỳ lặp lại 10 năm;  cải tạo các ao, hồ có chức năng điều tiết; Rà soát lại diện tích phục vụ, quy mô, vị trí của 5 trạm bơm (đã có trong quy hoạch); xây dựng quy trình vận hành khoa học cho 9 cống thoát nước đầu mối.

Đồng chí Phạm Lê Hưng, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Lê Mạnh Tuyến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã phát biểu tại buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, các đồng chí lãnh đạo TX Quảng Yên đã phát biểu, đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, thực tế trước thực trạng của TX Quảng Yên đối với việc ngập lụt, giảm thiểu môi trường, những đặc điểm về điều kiện tự nhiên của Quảng Yên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai.v.v.

 

Đồng chí Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy, Chủ  tịch HĐND TX Quảng Yên phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX Quảng Yên thay mặt các đồng chí lãnh đạo thị xã đánh giá cao Đề tài nghiên cứu. Đồng chí nhấn mạnh: TX Quảng Yên luôn băn khoăn, lo lắng và luôn luôn tìm các giải pháp để việc tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường- nhất là các địa phương khu vực Hà Nam, để đảm bảo, ổn định đời sống của người dân. Do vậy, việc xây dựng Đề tài nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có tính đến việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết của TX Quảng Yên. Đồng chí mong muốn đơn vị tư vấn tiếp tục cập nhật những cơ sở pháp lý, cũng như hiện trạng hiện hữu của Quảng Yên, giúp cho thị xã có giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.

Về nhiệm vụ cụ thể, đồng chí giao các các cơ quan chuyên môn của thị xã phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu đề tài để cung cấp dữ liệu, cung cấp hiện trạng cũng như thực trạng các khu vực trong thị xã để nhóm nghiên cứu thực hiện Đề tài nghiên cứu, mô phỏng giúp cho Quảng Yên sớm nhận diện rõ những thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng như việc tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...một cách đồng bộ, để Quảng Yên chủ động với mọi tình huống thiên tai xẩy ra.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Khoa Công trình, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công trình trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các đại biểu đã chia sẻ thời gian và kiến thức trong buổi thảo luận. Sự đóng góp nhiệt tình và ý kiến chân thành từ các đại biểu không chỉ mang lại nguồn động viên quý báu mà còn tạo nên một cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tìm ra những giải pháp bền vững cho thách thức về tiêu thoát nước cũng như ô nhiễm môi trường tại khu vực Hà Nam, thị xã Quảng Yên.

Viện Kỹ thuật Công trình Trường Đại học Thủy lợi cam kết sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành đề tài một cách xuất sắc, dưới sự hướng dẫn của các quý vị và sự đóng góp từ tất cả các đại biểu. Mọi ý kiến, đề xuất và nhận định quý báu mà quý vị đã đóng góp sẽ được tiếp thu và xem xét cẩn thận, nhằm đảm bảo tính đầy đủ và chính xác cho đề tài này.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
229