Thực tập môn học địa chất công trình

Thực tập địa chất công trình – địa kỹ thuật là môn học nhằm trang bị cho sinh viên thực tế về các điều kiện địa chất, bao gồm các loại đất đá và cấu trúc địa chất, các hiện tượng địa chất tự nhiên và địa chất công trình, điều kiện địa hình địa mạo và những kiến thức cần thiết liên quan đến công tác khảo sát địa chất công trình phục vụ công tác xây dựng như: các kế hoạch thu thập thông tin địa chất công trình, các phương pháp khảo sát địa chất công trình, phân tích và báo cáo các kết quả khảo sát. Nội dung cơ bản của môn học là các kiến thức thực tế về địa chất và địa chất công trình: nhận diện và mô tả các loại đất đá, các điều kiện địa chất công trình, các phương pháp thăm dò và thí nghiệm địa chất công trình. Kết quả khảo sát được tổng hợp và thể hiện thông qua báo cáo thực tập trang bị cho sinh viên những kỹ năng kỹ thuật cơ bản của kỹ sư đánh giá địa kiện địa chất. Qua đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về lý thuyết đã được học, nắm được các công việc của người làm kỹ thuật, đồng thời biết trân trọng công việc khảo sát địa chất công trình.

Từ trước tới nay, môn học thực tập địa chất công trình được thiết kế chủ yếu là đi ngoại khóa, công việc chủ yếu là công tác đo vẽ địa chất công trình thông qua các lộ trình và các điểm lộ. Địa điểm thực tập là khu vực thị trấn Đồng Mỏ - tỉnh Lạng Sơn và lân cận. Thời gian cho môn học là 1 tuần. Tuy nhiên, với thời lượng và công việc như cũ chưa giúp sinh viên thực hành được đầy đủ các công việc liên quan tới khảo sát địa chất công trình, chủ yếu mới chỉ giúp sinh viên nhận diện đất đá và các hiện tượng địa chất.

Để nâng cao chất lượng môn học, Khoa Công trình đề nghị Nhà trường thẩm định xem xét phê duyệt đề án “Đề án đầu tư xây dựng khu thực tập địa chất công trình – địa kỹ thuật” và cho phép triển khai thực hiện đề án ngay từ năm học để kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ sinh viên thực tập từ năm học 2018-2019. Nhà trường đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho việc thực tập. Môn thực tập địa chất công trình đã có sự thay đổi đáng kể về nội dung các công việc thực tập. Thời gian sinh viên thực tập tăng lên thành 2 tuần. Các công việc sinh viên được thực hành cũng tăng lên đáng kể. Các phương pháp khảo sát và địa chất công trình đã được đưa vào hướng dẫn thực hành. Bên cạnh đó, địa điểm thực tập cũng đã được thay đổi cho phù hợp, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

Lộ trình thăm quan thực tế cho chuyến thực tập được rút lại còn 1 lộ trình (Hà nội – Hà Nam – Hưng Yên) nhưng đi bằng ô tô, sinh viên không phải mất thời gian đi bộ, do vậy mà việc thực tập hiệu quả hơn. Dọc lộ trình, sinh viên được dừng lại ở một số điểm lộ để nghiên cứu các điều kiện địa chất. Các điểm lộ nghiên cứu địa chất đã được các thầy giáo bộ môn địa kỹ thuật nghiên cứu và lựa chọn kỹ càng, qua đó sinh viên có thể thu nhận được nhiều dấu hiệu địa chất và thực hành các công việc đo vẽ, thu thập thông tin nhiều nhất về các điều kiện địa chất.   

Theo chương trình thực tập, công việc thực tập gồm 4 phần nội dung chính:

Phần 1 Thực hành trong phòng thí nghiệm

Nhận biết, mô tả các mẫu đất, đá và khoáng vật;

Sử dụng bản đồ và mặt cắt địa chất: đọc bản đồ, xây dựng mặt cắt cấu trúc địa chất, biểu diễn các yếu tố thế nằm…

Phần 2. Tham quan thực tập địa chất ngoài thực địa

Đi tham quan địa chất theo lộ trình, đánh giá các điều kiện địa mạo, cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn và vật liệu xây dựng tự nhiên thông qua nghiên cứu tại các điểm lộ.

Ghi chép nhật ký địa chất, thực tập sử dụng bản đồ địa hình, địa chất

Đo đạc các yếu tố thế nằm của cấu trúc địa chất.

Phần 2. Thực tập các thí nghiệm hiện trường

Khoan khảo sát, thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn, lấy mẫu đất và mô tả hố khoan, đo mực nước dưới đất.

Thực hiện các thí nghiệm hiện trường: thí nghiệm nén tĩnh nền, thí nghiệm cắt cánh, thí nghiệm kiểm tra độ chặt đất, thí nghiệm đổ nước hố đào, thí nghiệm đổ nước hố khoan.

Phần 4. Thực hiện báo cáo khảo sát địa chất công trình và báo cáo thực tập

Lập báo cáo khảo sát địa chất gồm bản đồ lộ trình và các điểm khảo sát, biểu diễn thế nằm các cấu trúc địa chất và thuyết minh báo cáo tổng hợp điều kiện địa chất công trình.

Lập hình trụ hố khoan, mặt cắt địa chất công trình, các biểu kết quả thí nghiệm hiện trường (CPT, cắt cánh, thí nghiệm độ chặt, thí nghiệm đổ nước hố đào và hố khoan).

Bên cạnh công tác đi tham quan và khảo sát thực địa, các công việc còn lại được thực hiện tại cơ sở Phố Hiến, Hưng Yên. Về cơ sở vật chất, nhà trường đã dành riêng cho môn học 3 phòng thí nghiệm, 1 phòng để thiết bị và 1 bãi thực tập với đầy đủ tiện nghi cần thiết như hệ thống điện, nước, máy chiếu và các trang thiết bị hỗ trợ. Các thiết bị thí nghiệm cũng đã được trang bị khá đầy đủ như máy khoan, dụng cụ các phương pháp thí nghiệm trong hố khoan, máy xuyên, các thiết bị thí nghiệm thấm tại hiện trường, thiết bị kiểm tra độ chặt, v.v. Các mẫu khoáng vật và đá được sắp xếp lại một cách khoa học. Các mẫu đất được bổ sung liên tục với đủ loại theo nguồn gốc và theo tính chất xây dựng. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị cho việc thực tập và nghiên cứu.

Công tác kiểm tra và đánh giá sinh viên cũng được thực hiện thường xuyên hơn. Sinh viên được yêu cầu hoàn thành việc thực tập và có kiểm tra báo cáo sau mỗi nội dung thực tập. Yêu cầu này giúp sinh viên tập trung hơn trong học tập.

Trong thời gian thực tập ở Cơ sở Phố Hiến, sinh viên được ở trong ký túc xá của trường với điều kiện khá tốt với chi phí ăn ở hợp lý, thuận lợi hơn rất nhiều so với việc đi thực tập tại Đồng Mỏ.

Với nội dung và chương trình thực tập, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình và đánh giá nghiêm túc, sinh viên đã nắm vững được kiến thực và biết thực hiện nhiều công việc. Ý thức học tập và làm việc của sinh viên cũng được nâng lên.

Nhóm sinh viên đầu tiên áp dụng chương trình thực tập trong lộ trình thực tế

Sinh viên nghiên cứu địa chất tại điểm lộ

Thầy giáo hướng dẫn sinh viên nhận diện các loại đá

Hình tập thể lớp và các thầy chụp ảnh kỷ niệm chuyến tham quan thực địa

Thầy giáo hướng dẫn sinh viên phân tích cấu trúc đá tại điểm lộ

Thực hành thí nghiệm kiểm tra độ chặt đất đắp

Các nhóm thực hành thí nghiệm thấm tại hiện trường

Thí nghiệm thấm trong hố đào

Sinh viên thực hành nhận diện gọi tên và mô tả trạng thái của mẫu đất.

Thực hành khoan tay mở lỗ

Bãi thực tập khoan khảo sát địa chất công trình

Sinh hoạt của sinh viên trong thời gian lưu trú tại Cơ sở Phố Hiến

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
489