Con đường của nước

1. Bạn từng bao giờ nghe nói đến “đập hải ly”? Đó là những con đập do hải ly xây dựng để tạo hồ nhằm chống lại những kẻ săn mồi, đồng thời giúp hải ly kiếm ăn dễ dàng trong mùa đông. Hải ly có thể xây dựng những chiếc đập “sơ đẳng” chỉ trong một đêm. Vật liệu xây dựng đập là từ cành cây; tuyến đập thẳng hoặc uốn cong tùy thuộc vào vận tốc dòng chảy. Những chiếc đập hải ly thường có độ dài từ vài mét đến 100 mét với chiều cao hạn chế. Đập hải ly lớn nhất được biết tới nằm trong Vườn quốc gia Wood Buffalo ở AlbertaCanada với chiều dài là 850 m [1]. Rõ ràng việc xây dựng đập chẳng phải là ý tưởng của riêng loài người. Vậy bạn đã bao giờ từng hỏi vì sao con người lại xây dựng các con đập chắn ngang sông hoặc các công trình thủy để sử dụng hài hòa nguồn nước? Và kích thước của những con đập tạo hồ hoặc các công trình điều hòa nguồn nước cần đảm bảo các điều kiện gì?

2. Chuyện về chàng trai si tình tên Thủy Tinh mỗi năm lại dâng nước một lần đòi Mị Nương từ thần núi Tản Viên là Sơn Tinh. Và năm nào cũng như năm nào, gây thiệt hại không kể xiết thì chàng cũng rút lui. Đến nay, câu chuyện này vẫn được kể lại như một khát vọng chinh phục sự dữ dội của con nước. Chỉ đúc rút từ câu nói “nhất thủy nhì hỏa” thì cũng có thể hình dung ra nước thật sự cần thiết nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả lớn, cần nhiều thời gian và công sức mới khắc phục được. Câu hỏi đặt ra là sống chung với sự dữ dội của nước cần trang bị những gì và cần làm gì để duy trì bền vững sự cân bằng giữa tự nhiên và nhu cầu của con người?

 

 

3. Một phần hình ảnh của dòng nước dữ dội, hung bạo được mô tả trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân (1958-1960). Trong đó dòng sông Đà được miêu tả rất gợi hình và gợi thanh: đây là dòng sông với “những bức thành vách đá cao chẹt chặt lấy lòng sông hẹp”, sông “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, nước trên sông “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, chỗ giếng nước sâu ặc ặc lên những cái hút nước lôi tuột bè gỗ xuống hoặc hút những chiếc thuyền xuống” hoặc “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” … Một nguồn tài nguyên nước quý giá như vậy cần được trân trọng, cần được sử dụng, điều phối hài hòa bằng các công trình thủy nhằm đảm bảo hạn chế tối đa sự “hung dữ” của nước, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế-xã hội lẫn môi trường sống.

4. Hiện nay đập bê-tông đầm lăn Sơn La vẫn là niềm tự hào với nhiều kỷ lục được ghi nhận [2]. Tuy nhiên câu chuyện ít người nhắc đến thì có lẽ còn quan trọng hơn ở đây: chiều cao đập dâng theo thiết kế ban đầu đạt tới 205m (ở cao trình +295m) so với phương án thực tế hiện nay là 138m (cao trình đỉnh đập chỉ là +228,1m). Nếu thực hiện theo thiết kế ban đầu thì hẳn Việt Nam đã ghi tên vào bản đồ thế giới với một con đập cao trên 200m [3]. Nhưng việc duy trì một đập dâng nước rất cao, rất lớn trên hệ thống sông Đà đã được đưa ra cân nhắc cả trên phương diện kinh tế-xã hội, môi trường và an ninh nguồn nước. Việc đảm bảo cân bằng tuyệt đối các mục đích là rất khó, tuy nhiên những gì đạt được đến nay đang khẳng định nguồn nước đã được sử dụng tương đối hợp lý và phần nào hạn chế được những tác hại của dòng chảy vào mùa mưa lũ.

5. Chương trình đón tết Canh Tí 2020 chọn chủ đề “Hành trình nước” với lộ trình từ biển Đông vào Cà mau, ra Huế và kết thúc tại thác Bản Giốc với những hình ảnh tuyệt vời về nước [4]. Câu chuyện đầu năm muốn mượn đường đi của nước trên lãnh thổ biển và đất liền Việt Nam để kể những câu chuyện văn hóa, tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó còn có quan điểm về việc duy trì hành trình tự nhiên của nước từ sông ra biển. Điều này hoàn toàn đúng. Muốn vậy, chúng ta cần rất nhiều sự chung tay của xã hội, của những người am hiểu về nước để việc sử dụng một cách hài hòa và tự nhiên nguồn nước không chỉ là ước vọng. Trước mắt việc cân bằng nước vẫn là bài toán khó và cần nhiều những tìm hiểu trong tương lai trong bối cảnh có rất nhiều biến động cả chủ quan và khách quan trong việc sử dụng nước.

6. Như hai mặt của một đồng xu, luôn tồn tại mặt “trái”, “phải”, thì việc sử dụng tổng hợp nguồn nước thông qua giải pháp công trình và phi công trình cần có sự cân nhắc các khía cạnh khác nhau của từng giải pháp. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là chế ngự dòng nước hay giảm sức mạnh của nước, câu chuyện cần bắt đầu với hành động giảm thiểu thiệt hại mà nước đem tới, phòng tránh tối đa thiên tai thông qua sự điều chỉnh hài hòa dòng chảy bằng các công trình thủy. Và cuối cùng, con người là một phần của tự nhiên, cần được sống một cách tự nhiên nên việc tìm hiểu tự nhiên và nguồn nước là một phần không thể thiếu trong quá trình “cộng tác” lâu dài này [5].

 

 [1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%ADp_h%E1%BA%A3i_ly

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_máy_thủy_điện_Sơn_La

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_tallest_dams

[4]https://vtv.vn/goc-khan-gia/don-tet-cung-vtv-2020-hanh-trinh-nuoc-nguoc-dong-dai-duong-ve-nhung-mach-ngam-20200102235140656.htm

[5]http://ce.tlu.edu.vn/kiem_dinh_CLDT/chuong-trinh-dao-tao-va-chuan-dau-ra-nganh-ky-4597

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
892