Tham quan và trao đổi kinh nghiệm về công nghệ kỹ thuật xây dựng tại các công trình Thủy lợi

Như bao địa phương khác trên cả nước, tháng 5, tháng của mùa khô, mùa thi công. Đoàn công tác chúng tôi gồm các thành viên thuộc bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, khoa Công trình, trường Đại học Thủy lợi đã có chuyến đi thực tế đến Ninh Thuận, tham quan và trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật thi công với các đơn vị xây dựng.

Nơi chúng tôi đến đầu tiên là dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ nằm trên địa bàn xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, là dự án nhóm A, đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, địa phương nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước. Cụm công trình hồ chứa nước Sông Cái diện tích lưu vực 750 km2, dung tích hồ chứa 219 triệu mét khối, dung tích hữu ích 203,85 triệu mét khối; Đập tạo hồ có 5 đập bê tông đầm lăn (RCC), tổng chiều dài 2.770m, tạo hồ điều tiết năm, MNDBT +192,8m; 1 tràn xả sâu và 1 đập tràn xả mặt có lưu lượng xả lũ thiết kế P(0,5%)=4 358,70 m3/s; 1 cống lấy nước lưu lượng thiết kế Q= 2,01 m3/s; 1 cống xả nước xuống sông Cái về đập dâng Tân Mỹ, lưu lượng thiết kế Q= 27,8 m3/s; 01 nhà máy thủy điện sau đập, lấy nước từ hồ để phát điện theo chế độ tưới, công suất khoảng 6MW và 01 nhà máy thủy điện tích năng phía thượng lưu. Cụm đập dâng Tân Mỹ gồm đập không tràn có kết cấu bê tông trọng lực với chiều dài 325,5 m, chiều cao lớn nhất 27,3 m; đập tự do dài 190 m, cao 19 m; cống lấy nước có lưu lượng thiết kế 4.454 m3/s; cống xả cát; kênh và các công trình trên kênh Sông Cái và công trình thủy điện Tân  Mỹ... Khi đi vào hoạt động hệ thống sẽ tưới và tạo nguồn tưới cho 7.480 ha đất nông nghiệp; tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh – Lâm Cấm, đảm bảo tưới tiêu cho 12.000 ha; tiếp nước cho nhiều khu vực tại các hồ: Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh…, phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản…. Đồng thời còn góp phần cắt lũ cho hạ du, cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, môi trường sinh thái, tạo dung tích cho nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái hoạt động với công suất 1.200MW.

Tại đây, sau khi nghe ThS. Nguyễn Khắc Hoan, Tư vấn giám sát trưởng của Ban quản lý dự án Điện 1- Chi nhánh tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ban QLDA thủy điện Sơn La trước đây) là đơn vị thực hiện TVGS các hạng mục Đập chính, đập phụ 1 và đập phụ 4  giới thiệu về công trình, những hạng mục đang thực hiện của cụm đầu mối hồ chứa nước sông Cái, chúng tôi đã ra hiện trường và có những trao đổi kinh nghiệm về biện pháp thi công tràn xả sâu, lắp dựng ván khuôn, cốt thép, công tác chuẩn bị trước khi đổ các đợt bê tông mới; công tác chuẩn bị nền đập bê tông đầm lăn, những vị trí thi công bê tông đầm lăn phức tạp...

Hạng muc tràn xả sâu - hệ thống thủy lợi Tân Mỹ

Rời công trình thủy lợi Tân Mỹ, nhóm công tác di chuyển sang hồ chứa nước Sông Than. Công trình nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công các hạng mục chính là Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Nam Việt. Đây là công trình cấp 2, có dung tích chứa khoảng 85 triệu m3 nước. Công trình được xây dựng gồm các hạng mục: Đập đất nhánh phải với chiều dài đỉnh đập hơn 1.000 m, cao trình đỉnh đập hơn 140 m; đập bêtông trọng lực nhánh trái với chiều dài đập hơn 300m, cao trình đỉnh đập hơn 140 m; hai đập phụ có chiều dài đỉnh đập hơn 400 m, cao trình đỉnh đập hơn 280 m… Sau khi công trình hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho hơn 20.000 dân vùng hạ lưu, cấp nước phục vụ cho các ngành kinh tế khác, tạo nguồn cấp nước bổ sung cho hồ Lanh Ra, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, đáp ứng nhu cầu nước để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định.

Sinh viên năm cuối ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng vừa có chuyến thực tập tại công trường. Các em đã được nghe giới thiệu về công trình hồ sông Than, quan sát biện pháp thi công dây chuyền đắp đập đất và thực hành thi công một số hạng mục công trình đơn giản.

Kỹ sư Đỗ Đăng Dần (Chỉ huy trưởng) giải thích biện pháp thi công đắp đập đất cho sinh viên S18-57CT

Nhóm sinh viên S18-57CT chuẩn bị tham gia công tác  lắp dựng cốt thép

Kết thúc chuyến tham quan là cuộc trao đổi kinh nghiệm gần gũi và sẻ chia giữa các thầy cô của bộ môn và lãnh đạo nhà thầu thi công về phân chia khối đắp, ranh giới và xử lý vị trí tiếp giáp trong quá trình thi công đập đất.

Chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các đơn vị TVGS và thi công tại công trình

Thay mặt đoàn công tác, thầy giáo, PGS.TS Lê Văn Hùng đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của các đơn vị trên công trình thủy lợi Tân Mỹ, nhà thầu thi công Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Nam Việt; và hy vọng các đơn vị tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện cho sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có cơ hội được thực tập và trau dồi thêm các kiến thức đã học tại trường Đại học Thủy lợi.

Thực hiện: Ka Hát

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
305