Chuyến khảo sát thực tế trước khi thử nghiệm công nghệ chống hà bám vào bề mặt cửa van cống vùng triều tại Hải Phòng

Ngày 15/02/2023 tại Trường Đại học Thủy lợi đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Thủy lợi và Công ty IHI – Nhật Bản về các lĩnh vực đào tạo, khoa học công nghệ và phục vụ sản xuất. Sau lễ ký kết này, khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi và Tập đoàn IHI đã phát triển hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Thủy lợi và Tập đoàn IHI – Nhật Bản

Tập đoàn IHI – Nhật Bản có tiền thân là nhà máy đóng tàu Ishikawajima thành lập năm 1853, sau đó phát triển thành tập đoàn công nghiệp nặng Ishikawajima với nhiều lĩnh vực công nghệ mới như sản xuất máy móc công nghiệp, xây dựng cầu, xây dựng nhà máy và sản xuất động cơ máy bay. Năm 2007, Tập đoàn được đổi tên thành Tập đoàn IHI nhằm củng cố thương hiệu toàn cầu với bốn lĩnh vực sản xuất chính bao gồm: Tài nguyên, năng lượng và môi trường; Kết cấu hạ tầng xã hội và trang thiết bị ngoài khơi; Hệ thống công nghiệp và máy móc đa năng; Động cơ hàng không, không gian và phòng thủ. Hiện Công ty đang tập trung vào những công trình xây mới; thi công, bảo trì, duy tu các công trình có sẵn; thi công các công trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tại Việt Nam, trong lĩnh vực cầu, IHI có tham gia dự án cầu Nhật Tân - Hà Nội, cầu Bính - Hải Phòng; cung cấp máy đào hầm cho tuyến Metro, v.v.

Từ buổi hội thảo quốc tế trao đổi học thuật giữa khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi và Tập đoàn IHI vào tháng 12/2022 về chủ đề “Thiết kế, sửa chữa cửa van công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long”, hai bên đã nhận thấy được tiềm năng hợp tác trong nghiên cứu về những hư hỏng và công nghệ giảm hư hỏng cho cửa van thép cống vùng triều ở các vùng ven biển. Đối với các cửa van cống vùng triều ở các vùng ven biển của Việt Nam, hiện tượng hàu hà bám vào bản mặt và các khe cửa van đang là một vấn đề khó khăn cho ban quản lý các công trình thủy lợi. Hàu hà bám vào khe và bề mặt cửa van sẽ gây khó khăn trong công tác vận hành, làm ăn mòn kết cấu thép của công trình. Hàng năm, các ban quản lý công trình thủy lợi luôn phải tốn kinh phí và nhân lực để vệ sinh, làm sạch hàu, hà bám vào cửa van để đảm bảo vận hành công trình một cách thông suốt.

Thực trạng hàu hà bám vào cửa van cống vùng triều ở Hải Phòng

Khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi có nhiều chuyên gia nghiên cứu về hư hỏng và giải pháp giảm hư hỏng cho kết cấu thép công trình thủy lợi trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Tập đoàn IHI đã có nhiều năm nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công công nghệ chống bám bẩn sinh học (anti-biofouling) như hàu hà bám vào bề mặt kết cấu thép trên các công trình thủy lợi ở Nhật Bản. Từ thế mạnh trên, khoa Công trình và Tập đoàn IHI đã thống nhất hợp tác trong việc nghiên cứu thử nghiệm công nghệ chống hàu hà bám trên các cửa van cống vùng triều ở Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai bên được đặt nền móng từ chuyến đi khảo sát thực tế trước khi áp dụng thử nghiệm công nghệ chống hàu hà bám cửa van cống vùng triều tại Hải Phòng ngày 25/05/2023. Địa điểm được đoàn lựa chọn khảo sát và áp dụng thử nghiệm công nghệ chống hàu hà bám vào bề mặt cửa van công trình thủy lợi là các cửa van cống vùng triều tại Thành phố Hải Phòng dưới sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ - Hải Phòng.

Tham gia đoàn công tác có các thành viên sau: Về phía Tập đoàn IHI có ông Goro Yasuda – Cố vấn cao cấp của Tập đoàn IHI đồng thời là Giám đốc điều hành của Ủy ban đập lớn Nhật Bản; ông Shinsuke Matsuno – Tổng Trưởng phòng Kế hoạch Chiến lược, Ban chiến lược Doanh nghiệp; ông Yuichi Iai – Nghiên cứu cấp cao, Trung tâm nền tảng công nghệ, ban tích hợp công nghệ và trí tuệ, phụ trách công nghệ chống bám bẩn sinh học; ông Kei Kikuchi – Trợ lý giảm đốc, bộ phận giải pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phòng chiến lược phát triển, khu vực kinh doanh hạ tầng xã hội; bà Hiromi Nishimura – nhân viên Phát triển kinh doanh toàn cầu, Khối kinh doanh cơ sở hạ tầng; ông Konosuke Yoshii, Trưởng đại diện Tập đoàn IHI tại Hà Nội. Về phía khoa Công trình có thầy PGS.TS. Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Công trình, phụ trách Khoa học công nghệ và Đào tạo sau đại học; thầy PGS.TS. Vũ Hoàng Hưng, Trưởng bộ môn Kết cấu công trình, khoa Công trình; cô TS. Khúc Hồng Vân, Phó trưởng bộ môn Kết cấu công trình; thầy PGS.TS. Ngô Văn Thuyết, giảng viên bộ môn Kết cấu công trình; khoa Cơ khí – Trường Đại học Thủy lợi có sự tham gia của hai chuyên gia về chống ăn mòn kết cấu thép là thầy TS. Trần Văn Khanh và thầy TS. Phan Bình Nguyên.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước khi khởi hành chuyến khảo sát

Sáng ngày 25/05/2023, đoàn làm việc với công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ tại trụ sở công ty ở số 385 Thị trấn Trường Sơn – An Lão, Thành phố Hải Phòng. Tham gia tiếp và làm việc với đoàn có các thành viên công ty: ông Đỗ Văn Trãi – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công ty, là một cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi; ông Nguyễn Trung Kiên – Tổng giám đốc; các bà Phạm Thị Ngoan, ông Đồng Quang Đức và ông Bùi Văn Tiến là các Phó Tổng giám đốc; Bà Vũ Thị Thu Trà – Kiểm soát viên và đại diện các phòng, ban, nhân viên công ty. Thay mặt công ty, ông Đỗ Văn Trãi đã gửi lời chào nồng nhiệt tới đoàn, giới thiệu ngắn gọn về cơ cấu và quy mô hoạt động của công ty. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ là doanh nghiệp Nhà nước hạng I trực thuộc UBND Thành phố Hải Phòng, quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi trải dài qua 05 quận/huyện, được bao quanh bởi sông Văn Úc, sông Lạch Tray và tuyến đê biển I, II, thuộc vùng phía tây nam Thành phố Hải Phòng. Công ty quản lý hệ thống cấp nước sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tiêu nước, phòng chống thiên tai bão lũ cho toàn bộ nhân dân trong khu vực, cấp nguồn cho sản xuất nước sạch ở khu vực. Là một công ty TNHH một thành viên nhưng công ty luôn chú trọng đầu tư, cải tiến khoa học công nghệ, áp dụng vào quản lý các công trình, cụ thể như công ty đã áp dụng nguồn điện năng lượng mặt trời trong quản lý vận hành các công trình; công ty đã tự nghiên cứu và thiết lập một app ứng dụng tích hợp trong các điện thoại, máy tính để quản lý, theo dõi lịch công tác, điều khiển/vận hành các công trình thủy lợi từ xa một cách trực tuyến (online); công ty đã thành lập một phòng khoa học công nghệ để nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành các công trình, hạng mục công trình của công ty.

Ông Đỗ Văn Trãi – Chủ tịch công ty giới thiệu về cơ cấu và quy mô hoạt động của công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ

 

Sử dụng điện năng lượng mặt trời trong vận hành công trình tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ

Tiếp đến ông Trãi trình bày về tình hình xâm nhập mặn, thực trạng các cống vùng triều do công ty quản lý. Tình hình hàu hà bám vào các khe cống, bề mặt cánh cống gây khó khăn trong công tác vận hành công trình, làm ăn mòn, phá vỡ kết cấu cánh cống. Công ty đã phải thường xuyên sử dụng các biện pháp thủ công để cạo bỏ lớp hàu hà bám. Công việc này đã tốn kém chi phí về tài chính cũng như nguồn nhân lực của công ty. Tuy nhiên, biện pháp cạo bỏ thủ công chỉ mang tính chất ngắn hạn, chưa phải là biện pháp triệt để. Ông Trãi cũng đề nghị đoàn công tác xuống khảo sát thực địa và hợp tác cùng đoàn nghiên cứu thử nghiệm công nghệ chống hàu hà bám vào bề mặt cửa van thép cống vùng triều ở khu vực công ty quản lý. Đoàn công tác đã đi tham quan, khảo sát ba công trình cửa van vùng triều vùng ven biển Hải Phòng là cống Cổ Tiểu 2 và 3 và cống Cầm Cập.

Đoàn công tác khảo sát công trình vửa van cống Cổ Tiểu 2-3

Điều khiển hoạt động cửa van cống Cổ Tiểu 2 qua app ứng dụng trên điện thoại

Đoàn công tác khảo sát hà bám trên cửa cống Cầm Cập

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cống Cầm Cập

Kết thúc chuyến khảo sát các bên đã thảo luận thêm về địa điểm dự kiến tiến hành thử nghiệm công nghệ chống hàu hà bám trên cửa van cống vùng triều và làm rõ thêm các thông tin liên quan. Các bên đều nhất trí rằng dự án hợp tác nghiên cứu này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Các bên đều kỳ vọng nghiên cứu thử nghiệm đạt kết quả tích cực, sau đó có thể áp dụng vào công trình cửa van cống vùng triều tại Hải Phòng do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quản lý và tiếp đến có thể nhân rộng công nghệ này cho các vùng triều ven biển trong cả nước.

Chuyến khảo sát thực tế tại Hải Phòng đã diễn ra tốt đẹp. Thay mặt khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi thầy PGS.TS. Trần Thanh Tùng, Phó Trưởng khoa Công trình và ông Shinsuke Matsuno – Tổng Trưởng phòng Kế hoạch Chiến lược, Ban chiến lược Doanh nghiệp, Tập đoàn IHI đã trân trọng cảm ơn Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ đã tiếp đón nồng nhiệt, thịnh tình đoàn công tác và có món quà lưu niệm nhỏ gửi trao đến lãnh đạo công ty. Các bên kỳ vọng vào việc triển khai nghiên cứu trong thời gian tới.

Đoàn công tác gửi trao quà lưu niệm và chụp ảnh tại trụ sở công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, Hải Phòng

 

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
649