Nâng tầm tri thức những người kỹ sư quản lý xây dựng

 

Thực tập chuyên ngành quản lý xây dựng là một môn học quan trọng trong chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý xây dựng của Trường Đại học Thủy lợi. Vì vậy, lớp 29QLXD ngành cao học Quản lý xây dựng được Nhà trường sắp xếp tham quan, thực tại tại công trường thi công Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi sông Lèn, tỉnh Thanh Hóa từ ngày 8/4/2023 đến 9/4/2023. Dự án này thuộc dự án “Nâng cấp Hệ thống Thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu (KEXIM1)”.

Dự án này được giao cho Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 1.616 tỷ đồng, trong đó hơn 1.253 tỷ đồng là nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Kexim của Chính phủ Hàn Quốc, phần còn lại là vốn đối ứng của Trung ương và địa phương. Dự án bao gồm các Cụm công trình đầu mối sông Lèn, sông Càn, kênh De và 3 trạm bơm Triết Giang, Hà Hải, Hà Yên 1. Trong đó, công trình đầu mối sông Lèn là hạng mục có quy mô lớn nhất, gồm các hạng mục âu thuyền cấp I, cống ngăn mặn cấp II, cầu giao thông nối giữa huyện Hậu Lộc và Nga Sơn để tạo đập, dâng nước ngọt và ngăn nước mặn từ biển xâm nhập tạo nguồn cung cấp nước cho khu vực Bắc sông Mã và các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung và Bỉm Sơn với tổng diện tích 26.214 ha đất nông nghiệp. Dự án cũng nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 613.000 người dân, cung cấp nước cho hoạt động chăn nuôi và sản xuất trong khu công nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp giao thông thủy và đường bộ trong khu vực, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là vùng lòng sông phía hạ lưu công trình ngăn mặn. Ngoài ra, dự án cũng bao gồm các hạng mục hỗ trợ tiêu úng cho huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành vào quý I năm 2024.

Những ngày cuối xuân, Nga Sơn và Hậu Lộc đã đón đoàn giảng viên và học viên cao học đến công trường bằng cơn mưa lất phất và không khí se lạnh. Tuy nhiên, cảm giác lạnh của thời tiết và âm u của bầu trời đã được xóa tan bởi sự đón tiếp ấm nồng của Ban CPO và Ban điều hành dự án Kexim 1 ngay khi đoàn tới công trường.

Hoạt động đầu tiên của chuyến tham quan, thực tập là nghe báo cáo của các chuyên gia đang thực thi các nhiệm vụ quan trọng của dự án tại phòng họp lớn của Ban điều hành dự án. Chuyên gia Đinh Văn Sáu - Cựu sinh viên khóa 23 của Trường Đại học Thủy lợi đã trình bày báo cáo đầu tiên về công tác quản lý dự án - kinh nghiệm và các bài học.

Với tâm huyết của một chuyên gia lâu năm, bác Đinh Văn Sáu đã truyền đến các học viên các thông tin liên quan đến các công tác quản lý nhà nước về xây dựng, bao gồm cơ cấu tổ chức của Chủ đầu tư; trình tự, thủ tục phê duyệt dự án; tổ chức điều chỉnh thiết kế, tổ chức thực hiện và quản lý hợp đồng xây dựng. Đặc biệt, các học viên còn được cung cấp các thông tin quan trọng về trình tự, thủ tục đấu thầu, thương thảo, ký kết và quản lý hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài.

            Báo cáo thứ 2 là báo cáo về công tác tổ chức thi công về công nghệ xây dựng áp dụng tại dự án được trình bày bởi chuyên gia Nguyễn Thừa Đường - Người chịu trách nhiệm chính về chất lượng công trình của Nhà thầu HDC-KUMHO JV Hàn Quốc.

Thông qua báo cáo, các học viên cao học đã tiếp cận được công tác tổ chức thi công tại công trường thông qua các sơ đồ tổ chức, các quy trình quản lý chất lượng, an toàn lao động, các công nghệ hiện đại được áp dụng trong thi công các hạng mục công trình của dự án, trong đó đặc biệt ấn tượng với “quy trình không tuân thủ” để kiểm tra, khắc phục, sửa chữa các sai sót trong quá trình thực hiện dự án; ngoài ra cũng thấu hiểu được các khó khăn gặp phải tại thực tế công trình. Những hoạt động điển hình chặt chẽ về quản lý xây dựng mang yếu tố nước ngoài áp dụng tại Việt Nam trên thực tế công trường đã ghi lại dấu ấn sâu đậm đối với cả thầy và trò Trường Đại học Thủy lợi.

Hoạt động tiếp theo là báo cáo về áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) của dự án được trình bày bởi chuyên gia Nguyễn Hoàng Sơn - Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng.  Đây là công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng mang lại nhiều hiệu quả đầu tư mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy áp dụng tại nước ta, thể hiện tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động đầu tư xây dựng. Báo cáo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các học viên vì có liên quan mật thiết đến công việc những năm tới đây.

Thông qua báo cáo, các học viên đã thấy được ưu điểm của việc áp dụng công nghệ BIM trong quá trình thiết kế nhằm hạn chế các sai sót, xung đột giữa các hạng mục công trình, lựa chọn được phương án tối ưu nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời đưa ra được các quyết định đúng đắn, kịp thời trong quá trình thi công của dự án; lưu trữ, kiểm soát và chia sẻ được thông tin công trình trong quá trình thực hiện dự án và vận hành công trình; tiết kiệm được chi phí đầu tư xây dựng và thúc đẩy phối hợp hợp lý giữa các bên tham gia dự án.

Kết thúc các báo cáo chuyên đề, chuyến xe lại tiếp tục lăn bánh để đưa đoàn đến tham quan trực tiếp công trường thi công cụm công trình đầu mối sông Lèn. Với việc được lắng nghe các thông tin về cụm công trình và những hình ảnh mô phỏng 3D qua các báo cáo, các học viên đã có những cảm nhận đầu tiên về quy mô, tầm vóc của cụm công trình thủy lợi lớn ở khu vực miền Bắc hiện nay.  Nhưng khi đứng trước các hạng mục công trình đang dần được hình thành các hình hài cụ thể, các học viên mới nhận thức được sức mạnh to lớn của những người kỹ sư, công nhân để xây dựng lên hạng mục công trình kỳ vĩ nơi đây.

Tại công trường, đoàn được nghe giới thiệu về mặt bằng bố trí thi công công trình, được tận mắt thị sát các hạng mục công trình, chứng kiến các công nghệ thi công hiện đại, mô hình tổ chức thi công, quản lý chất lượng, an toàn lao động khoa học và đặc biệt được được nghe kể về những kỷ niệm gian khổ kỹ thuật thi công thực tế mà đầy hãnh diện của các kỹ sư khi phải vượt qua những khó khăn để có được thành quả to lớn hiện hữu trước mắt các học viên ngày hôm nay (biện pháp xói, hút đất đào móng trong điều kiện ngập nước của âu thuyền trong hệ thống cừ vây; thi công bê tông bịt đáy bằng phương pháp vữa dâng, …. thi công bê tông các trụ cầu trong điều kiện dòng nước xiết của sông Lèn).

Tạm biệt công trường, các học viên lại thêm niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ ngày đoàn đến thăm công trường bởi các món quà đặc biệt ý nghĩa của Nhà thầu thi công Hàn Quốc. Và để đáp lại tấm lòng thịnh tình của những đơn vị thực hiện dự án, Trường Đại học Thủy lợi đã gửi tặng những bức tranh với các hình ảnh ý nghĩa về Nhà trường như một dấu ấn cho sự hợp tác tốt đẹp giữa đơn vị đào tạo chuyên nghiệp với các đơn vị thực tế thực hiện dự án xây dựng của đất nước.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
732