Phó Giáo sư trẻ tuổi của Khoa Công trình - Trường Đại học Thủy lợi

Con đường dẫn đến phong hàm Phó Giáo sư của thầy Ngô Văn Thuyết là một quá trình học tập, làm việc và không ngừng phát triển bản thân

Thầy Ngô Văn Thuyết sinh năm 1986, hiện đang là giảng viên cao cấp bộ môn Kết cấu công trình thuộc Khoa Công trình Trường Đại học Thủy lợi . Thầy từng là sinh viên và theo học Thạc sĩ ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2009, thầy chuyển về làm giảng viên và công tác tại Trường Đại học Thủy lợi. Ở tuổi 31, thầy đã có trong tay tấm bằng tiến sĩ sau 4 năm cố gắng nỗ lực ở Học viện Công nghệ Guwahati - Ấn Độ. Không dừng lại ở đó, năm 2022 vừa đây thầy đã tiếp tục nhân được phong hàm PGS.TS.

Hình ảnh về PGS.TS Ngô Văn Thuyết

Thầy chia sẻ, khi đi làm nghiên cứu sinh ở Ấn Độ, thầy may mắn được tham gia vào nhóm nghiên cứu của Giáo sư hướng dẫn bên đó về phát triển một loại gối cách chấn mới - gối cách chấn đàn hồi cốt sợi. Đây là một loại gối cách chấn đa lớp mới, sử dụng các lớp sợi thay thế cho các lớp lá thép mỏng của gối cách chấn đa lớp thông thường. Loại gối cách chấn này có trọng lượng nhẹ, dễ dàng chế tạo hơn, giá thành rẻ hơn so với gối cách chấn đa lớp thông thường, và được kỳ vọng sử dụng cho các công trình xây dựng trung và thấp tầng để giảm chấn khi động đất xảy ra. Nhóm nghiên cứu trong đó có thầy đã được Văn phòng cấp sáng chế của Ấn Độ cấp Bằng sáng chế về loại cách chấn này.

Tiếp bước thành công đó, khi về nước thầy tiếp tục nghiên cứu về gối cách chấn đa lớp cốt sợi và xin được một đề tài nghiên cứu cấp Bộ Xây dựng về nghiên cứu, ứng dụng gối cách chấn đa lớp cốt sợi vào công trình thiết kế chịu động đất ở Việt Nam. Đề tài đã được nghiệm thu năm 2020.

Đây là những nghiên cứu bước đầu về lý thuyết và mô phỏng về công trình sử dụng gối cách chấn đa lớp cốt sợi để thiết kế chịu động đất cho công trình dân dụng ở Việt Nam. Với những định hướng sắp tới, thầy hi vọng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm ở Việt Nam. Sử dụng gối cách chấn cho công trình thiết kế chịu động đất đã được nghiên cứu trên thế giới và đã cho thấy hiệu quả giảm hư hỏng cho công trình khi động đất xảy ra ở cả nghiên cứu mô hình lẫn thực nghiệm. Gối cách chấn đa lớp thông thường có giá thành cao, là rào cản sử dụng cho các công trình trung và thấp tầng. Với việc sáng chế ra gối cách chấn đa lớp cốt sợi với công nghệ chế tạo đơn giản hơn, trọng lượng nhẹ hơn và giá thành rẻ hơn, gối cách chấn này được kỳ vọng sử dụng rộng rãi cho các công trình trung và thấp tầng thiết kế chịu động đất.

Bên cạnh đó là hàng loạt bài viết của PGS.TS Ngô Văn Thuyết trên tạp chí quốc tế như: " Anjan Dutta ", "S.K.Deb" ,... và 1 số bài trong nước như: " Ảnh hưởng của hệ số hình dạng đến ứng xử ngang của gối cách chấn đàn hồi conposite FREI vuông chịu tải" , "Nghiên cứu ứng xử ngang của nguyên mẫu gối cách chấn đàn hồi cốt sợi không liên kết" ," Hiệu quả cách chấn của nhà khung bê tông cốt thép sử dụng gối cách chấn đàn hồi cốt sợi FREI chịu động đất ",…

PGS.Ngô Văn Thuyết trong một đề tài nghiên cứu khoa học

Trả lời những câu hỏi của các bạn, Thầy Ngô Văn Thuyết cho biết: " Trong học tập và nghiên cứu, ai cũng vậy thôi cũng sẽ gặp phải những khó khăn và trở ngại. Thầy cũng không phải ngoại lệ. Trong quãng thời gian làm nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, thầy cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là về ngôn ngữ Anh - Ấn và sự khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên, vì học ngành kỹ thuật liên quan nhiều đến tính toán nên những khó khăn đó dần được vượt qua từ những buổi trao đổi học thuật với các Giáo sư hướng dẫn cũng như các nghiên cứu sinh cùng khoa. Theo thầy, khi chúng ta có đam mê, có quyết tâm với mục tiêu rõ ràng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Đó cũng là điều thầy luôn khuyên các bạn sinh viên hiện nay. Các bạn đã vào một trường đại học tốt, vào một ngành yêu thích mà các bạn lựa chọn, các bạn có đam mê, chắc chắn các bạn sẽ có thành công" 

Thầy cũng chia sẻ thêm: " Được bổ nhiệm học hàm PGS là một vinh dự bản thân của các nhà khoa học làm về nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, học viện. Là thành quả của cả một quá trình phấn đấu về nghiên cứu, giảng dạy và được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét duyệt, phong tặng. Khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước phong học hàm PGS, thầy rất vinh dự, tự hào xen lẫn với sự biết ơn. Thầy biết ơn sự tạo điều kiện thuận lợi của Trường ĐH Thủy lợi có môi trường làm việc tốt cho mình phấn đấu, phát triển chuyên môn; biết ơn sự dìu dắt, đồng hành của các thầy cô, đồng nghiệp; biết ơn sự khích lệ của hậu phương gia đình.

PGS.Ngô Văn Thuyết cùng các thầy, cô giáo thuộc bộ môn Kết cấu công trình.

Để có thể được xét phong học hàm, một giảng viên, một nhà nghiên cứu phải luôn phấn đấu, trau dồi, nâng cao, mở rộng kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, môi trường học thuật, đồng nghiệp cùng cộng tác nghiên cứu như ở Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi cũng là một yếu tố quan trọng để giảng viên phát triển chuyên môn. Theo thầy, ngành kỹ thuật nói chung có khối lượng học tập nặng hơn, sinh viên học tập vất vả hơn so với các ngành học khác. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm của ngành kỹ thuật luôn rất lớn và có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Các em sinh viên đã chọn học ngành kỹ thuật, nhất là những ngành kỹ thuật của khoa Công trình, là những người có đam mê, có mong muốn đóng góp một phần vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đất nước. Là một người trong ngành, thầy luôn khuyên các em luôn giữ lửa đam mê với ngành, tìm tòi học hỏi những kiến thức chuyên môn để sau này xây dựng lên các công trình mang dấu ấn của bản thân, làm đẹp thêm cho đất nước Việt Nam chúng ta"

Qua những chia sẻ hết sức bổ ích của PGS. Ngô Văn Thuyết, em xin kính chúc thầy có thật nhiều sức khỏe và công tác tốt trên cương vị của mình.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
259