Bộ môn Địa Kỹ Thuật – Khoa Công Trình

Được thành lập từ những ngày đầu xây dựng Trường Đại học Thủy lợi, Bộ môn Địa Kỹ Thuật là một trong những bộ môn có bề dày truyền thống về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cùng với đội ngũ Giảng viên được đào tạo chuyên môn sau đại học từ các nước trên thế giới, Bộ môn Địa Kỹ Thuật những năm gần đây luôn đi đầu trong hợp tác với nước ngoài về đào tạo và nghiên cứu những vấn đề trong ngành. Đến với bộ môn Địa Kỹ Thuật, các em sinh viên có cơ hội được tiếp xúc với những bài giảng và kiến thức trên thế giới.

Kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng có thể thực hiện được các công việc như: thiết kế và thi công nền móng của các loại công trình xây dựng; thiết kế và thi công các giải pháp Địa kỹ thuật; thiết kế và thi công các giải pháp cải tạo và xử lý nền đất yếu; thực hiện các công tác khảo sát địa kỹ thuật cho các đối tượng công trình xây dựng dân dụng – công nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi, sân bay, bến cảng, các công trình ngầm, công trình khai thác mỏ và các công trình quân sự…

Bắt đầu đào tạo từ năm 2008, trường Đại học Thủy lợi được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn đào tạo các chương trình tiên tiến. Đây là chương trình được thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo của các trường Đại học ở Mỹ. Chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh với sự tham gia của các giáo sư trường Đại học Bang Colorado và trường Đại học Arkansas, cũng như các trường Đại học danh tiếng khác. Tổng thời gian đào tạo là 4,5 năm, dành cho ngành Kỹ thuật Xây dựng (KTXD) mã ngành: KT18 - đào tạo theo chương trình gốc của Đại học Arkansas, Hoa Kỳ gồm các chuyên ngành: Môi trường, Địa kỹ thuật, Giao thông, Kết cấu, Công trình thủy.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng tại bộ môn Địa Kỹ Thuật được thiết kế với nội dung chương trình đào tạo cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản, cơ sở và kiến thức chuyên môn toàn diện về ngành Địa kỹ thuật xây dựng như: toán, cơ học, cơ học đất và các kiến thức nền tảng về địa chất, nền móng; địa chất công trình – địa kỹ thuật. Với hệ thống phòng thí nghiệm và các điều kiện cơ sở vật chất khác, sinh viên sẽ được học đầy đủ kiến thức lý thuyết và đủ điều kiện thực hành để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. 

Năm học vừa qua, các bạn sinh viên đã hào hứng tham gia bảo vệ đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Địa kỹ thuật với số lượng đông đảo. Nội dung các đề tài giải quyết các vấn đề thực tế trong xây dựng công trình hiện nay như: Xử lí nền đất yếu đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (Designing for soft soil treatment Km36+320-Km36+630, Noi Bai-Lao Cai highway project); Thiết kế tường chắn đất bờ phải sông Chu, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (Retaining wall design for the protection of the right side of Chu river bank sections from K17+872 to K18+515, Tho Xuan, Thanh Hoa); Thiết kế móng cọc tòa nhà trung tâm Chí Linh, Vũng Tàu (File Foundation Design of Building Chi Linh Center – Vung Tau); Xác định các đặc tính động của nền đê sông Hồng bằng thí nghiệm ba trục dưới tác dụng của tải trọng theo chu kì (Dynamic properties of Red river dike foundation sand in drained cyclic triaxial loading),.v.v… Với những kiến thức Địa kỹ thuật được đào tạo, những kỹ sư mới tốt nghiệp này sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của công tác xây dựng ở nước ta trong thời gian tới.

Hình 1: Thực tập Địa chất công trình tại Hưng Yên

Hình 2: Bảo vệ đồ án Tốt nghiệp chương trình tiên tiến ngành Địa Kỹ thuật xây dựng

Hình 3: Trao đổi kiến thức chuyên môn Địa kỹ thuật với Hội đồng Tốt nghiệp

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
631