Các hoạt động chính của Đề tài cấp Nhà nước KC.08.27/16-20

Đề tài cấp Nhà nước KC.08.27/16-20: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy tối thiểu hệ thống sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam có xét vai trò điều tiết của sông Hồng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch và cải thiện chất lượng môi trường nước”, do PGS.TS. Nguyễn Hữu Huế (Trưởng Khoa Công trình - Trường đại học Thủy lợi) làm chủ nhiệm

Trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa; thí nghiệm, phân tích, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước mặt các sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam và đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ duy trì dòng chảy tối thiểu của hệ thống sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch và cải thiện chất lượng môi trường nước. Các hoạt động nổi bật của đề tài như sau:

  • Đo đạc, khảo sát ngoài thực địa bổ sung các tài liệu, số liệu cơ bản phục vụ công tác nghiên cứu của đề tài: Sử dụng các máy móc, thiết bị đo đạc hiện đại, khảo sát bổ sung các yếu tố địa hình, thủy văn, chất lượng nước phục vụ xây dựng công cụ tính toán dòng chảy tối thiểu phù hợp cho các sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam. Việc điều tra, khảo sát do các cơ quan, đơn vị có chuyên môn đảm nhiệm đảm bảo tính đại diện cho toàn vùng nghiên cứu và các khu vực trọng điểm.

Công tác đo đạc thủy văn tại một số vị trí trên sông Nhuệ - Đáy

  • Họat động lấy mẫu và phân tích chất lượng nước tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm: Các thông số (nhiệt độ, pH, DO, EC) được đo đạc trực tiếp ngoài hiện trường bằng máy đo nhanh cầm tay; các thông số còn lại (BOD5, COD, TSS, PO43-, NO3-, NH4+..) được phân tích trong Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Công trình và Môi trường, trường Đại học Thủy lợi.

Công tác lấy mẫu và phân tích chất lượng nước tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm

  • Tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia: Ban chủ nhiệm Đề tài đã tổ chức 02 cuộc hội thảo lấy ý kiến với sự tham dự của các đơn vị phối hợp, các chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu của Đề tài, các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên ngành ở địa phương để hoàn thiện nghiên cứu và giúp cho việc đề xuất giải pháp KHCN của đề tài phù hợp với tình hình thực tế của khu vực nghiên cứu và có tính khả thi cao.

Hội thảo mở rộng (lần 1)ngày 23/07/2020

Hội thảo chuyên gia (lần 2) ngày 19/11/2020

  • Thực địa khảo sát, đánh giá tuyến công trình bổ cập nguồn nước, duy trì dòng chảy tối thiểu cho các sông theo phương án đề xuất: Ban chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành đi thực địa các tuyến công trình đề xuất để khảo sát thực tế tuyến và xác định các vị trí công trình điều tiết nước trên tuyến phù hợp, có tính khả thi. Trong quá trình đi thực địa, nhóm chuyên gia kết hợp sử dụng Flycam để quan sát tuyến một cách tổng thể và toàn diện.

Ban chủ nhiệm đề tài đi thực địa khảo sát, đánh giá tuyến công trình đề xuất

Sau hơn 30 tháng triển khai, từ cách tiếp cận kinh tế - xã hội - sinh thái - môi trường được đánh giá trong một tổ hợp đa chiều với những phương pháp nghiên cứu mới, tiên tiến Đề tài đã đề xuất được các giải pháp KHCN đảm bảo hài hòa các lợi ích và được nghiệm thu thành công.

Hội đồng nghiệm thu Đề tài KC.08/16.27 tại Bộ Khoa học và Công nghệ

          Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thành nghiệm thu, Đề tài đã trở thành cơ sở khoa học để đề xuất các dự án thực tiễn nhằm bổ cập nguồn nước, làm sống lại các con sông trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam. Cụ thể, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã đề xuất các phương án bổ cập dòng chảy tối thiểu cho sông Nhuệ, sông Đáy từ các tuyến công trình được đề xuất trong Đề tài gồm:

  1. Tuyến công trình dẫn nước từ sông Tích bổ cập nguồn cho sông Đáy có chiều dài 12,40km. TMĐT dự kiến là 604 tỷ đồng;
  2. Tuyến công trình dẫn nước từ sông Đáy bổ cập nguồn cho sông Nhuệcó chiều dài 17,20km. TMĐT dự kiến 531 tỷ đồng.

BTV: Phương Thảo

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
310