Hội thảo Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang huyện Núi Thành phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và lân cận”

Sáng ngày 23/12/2020 đã diễn ra buổi Hội thảo báo cáo các nội dung của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang huyện Núi Thành phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và lân cận”. Đây là đề tài song phương, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có sự tham gia của các thành viên Trường Đại học Thủy Lợi và Đại học Tohuku, Nhật Bản. Về phía Việt Nam do PGS.TS. Hồ Sỹ Tâm làm chủ nhiệm, bên Nhật Bản do GS.TS. Hitoshi TANAKA chủ nhiệm. Do điều kiện dịch Covid-19 còn đang diến biến phức tạp nên phần trình bày của GT.TS. Hitoshi TANAKA được kết nối online.

Tham dự phát biểu từ phía trường Đại học Thủy lợi có Phó Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Trung Việt. Bên cạnh đó, có sự tham gia của đại diện Văn phòng chương trình Quốc gia, ông Trần Anh Tuấn; các đại diện của tỉnh Quảng Nam như ông Văn Anh Tuấn (Sở GTVT tỉnh Quảng Nam), ông Lê Quang Hiếu (Ban QL khu KT Chu Lai), ông Trần Thanh Tuấn (Ban QL khu KT Chu Lai) …. Về phía khoa Công trình, Phó trưởng khoa PGS.TS. Trần Thanh Tùng cũng tham gia với vai trò chuyên gia và đại biểu. Các nhà khoa học từ các trường Đại học, Viện, Trung tâm cũng tham gia lắng nghe các nội dung của buổi Hội thảo.

Mục tiêu của đề tài: (1) làm rõ chế độ thủy thạch động lực và quá trình biến đổi hình tháo sông Trường Giang và vùng cửa sông ven biển; (2) Đề xuất được giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang, vùng cửa sông ven biển đáp ứng được nhu cầu thoát lũ, giao thông thủy và phát triển bền vững kinh tế khu vực lân cận.

Nội dung nghiên cứu đã được trình bày theo 5 nội dung chính như sau: (1) Thu thập tài liệu cơ bản và tổng quan về vấn đề nghiên cứu; (2) Điều tra, khảo sát phục vụ cho việc xây dựng mô hình toán và đề xuất phương án chỉnh trị; (3) Thiết lập công cụ mô hình toán hiện đại phục vụ nghiên cứu chế độ thạch động lực và diễn biến hình thái sông Trường Giang và khu vực Cửa Lở; (4) Phân tích, đánh giá các nguyên nhân, cơ chế và các yếu tố ảnh hưởng đến diễn biên lòng dẫn sông Trường Giang và vùng Cửa Lở; (5) Nghiên cứu đề xuất giải pháp chỉnh trị sông Trường Giang và vùng Cửa Lở đáp ứng yêu cầu thoát lũ và giao thông thủy, phục vụ phát triển bền vững kinh tế khu vực và vùng lân cận. Các thành viên của Đề tài đã lần lượt báo cáo các kết quả chính.

Về sản phẩm đạt được của Đề tài gồm 03 bài báo thuộc tạp chí chuyên ngành Quốc gia, 01 bài ở tạp chí quốc tế, 02 bài báo cáo tại các Hội thảo trong nước và quốc tế; sản phẩm KHCN liên quan đến đào tạo gồm 02 thạc sỹ ngành Xây dựng công trình thủy, công trình biển/môi trường, góp phần đào tạo tiến sỹ.

Như vậy, Đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí kỹ thuật tổng thế để bảo đảm ổn định vùng sông Trường Giang, nghiên cứu thiết kế chuẩn tắc đoạn luồng qua sông Trường Giang, đề xuất các phương án định hướng quy hoạch không gian công trình chỉnh trị sông Trường Giang. Hy vọng những kết quả của Đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học ứng dụng nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai, đào tạo sinh viên/học viên mà còn có thể ứng dụng trong phát triển bền vững kinh tế ở vùng sông Trường Giang và vùng Cửa Lở, tỉnh Quảng Nam.

 

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
135