Hội thảo Quốc tế về khoa học vật liệu và công nghệ kỹ thuật – ICMSET 2019 (USA)

Hội thảo quốc tế ICMSET là một chương trình thường niên đã được tổ chức nhiều năm liền tại nhiều quốc gia trên thế giới có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến:  ICMSET 2019 (Saipan, Mỹ), ICMSET 2018 (Bắc Kinh, Trung Quốc), ICMSET 2017 (Seoul, Hàn Quốc), ICMSET 2016 (Tokyo, Nhật Bản), ICMSET 2015 (Singapore), ICMSET 2014 (Bắc Kinh, Trung Quốc), ICMSET 2013 (London, Anh), ICMSET 2012 (Vũ Hán, Trung Quốc).

                       

PGS.TS Nguyễn Hữu Huế tại Hội thảo ICMSET 2019 lần thứ 3 diễn ra tại Saipan, Mỹ.

Hội thảo quốc tế ICMSET 2019 quy tụ các học giả từ nhiều lĩnh vực như kỹ thuật, khoa học vật liệu, cơ khí và công nghệ kỹ thuật để mở ra một chương mới trong việc phổ biến các công nghệ mới và trao đổi giữa các nhà khoa học, các đơn vị tổ chức, nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Trong khuôn khổ của hội thảo, các nhà khoa học tham gia trao đổi quan điểm, cũng như thúc đẩy tình hữu nghị, phát triển hợp tác giữa các tổ chức và nhà nghiên cứu trong cùng lĩnh vực. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho người tham gia tích lũy kiến thức và không gian thảo luận phong phú và chuyên nghiệp.

Một số hình ảnh về hội thảo ICMSET

Nội dung của hội thảo bao gồm các bài thuyết trình, báo cáo rất chất lượng được trực tiếp các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu uy tín trên thế giới trình bày. Nội dung của các báo cáo đã mang đến rất nhiều thông tin về các kết quả nghiên cứu bổ ích. Kết quả của hội nghị ICMSET 2019 đã kết nối, hợp tác nhằm mục đích phát triển các ý tưởng và hoạt đông nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu và công nghệ nghệ xây dựng mới.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Huế đã trình bày một trong những nghiên cứu mới của thầy và nhóm nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật xây dựng mang tên: “Utilization of fly ash waste as a construction material for river dike reinforcement in combination with transportation” (Nghiên cứu sử dụng phế thải tro bay làm vật liệu xây dựng gia cố đê sông kết hợp giao thông). Nghiên cứu này là kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ của NCS Đặng Công Hưởng do PGS Nguyễn Hữu Huế hướng dẫn và đã bảo vệ thành công năm 2018. Các kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa thực tiễn, đặc biệt là với tình hình thực tế về hệ thống các công trình đê điều ở Việt Nam và yêu cầu về sử dụng tro bay trong xây dựng của Thủ tướng chính phủ.

Ngày nay, hệ thống đê điều của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cả về phòng chống lũ cũng như phục vụ nhu cầu giao thông vận tải. Với lịch sử hình thành phát triển lâu đời của ngành thủy lợi, những con đê đắp bằng vật liệu địa phương được cải tạo, tôn cao, gia cố qua nhiều lần và có một cấu trúc tương đối phức tạp. Sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng kéo theo nhu cầu vận tải cao hơn. Hệ thống đê điều ven các con sông lớn ngày càng trở nên nhộn nhịp và được sử dụng nhiều hơn với vai trò “đường” hơn là “đê”. Theo đó, tại nhiều vị trí đê, đã xuất hiện những nứt gãy do cấu trúc nhiều lớp của bản thân nó cũng như tải trọng do các phương tiện giao thông gây ra cùng với đó là tình hình thiên tai ngày một phức tạp. Nhu cầu gia cố đê sông, đặc biệt là các tuyến đê được kết hợp sử dụng làm đường giao thông.

Ngành nhiệt điện cũng đang trên đà phát triển với nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn đã và sẽ được thực hiện. Lượng phế thải tro bay tuy đã có phương án xử lý làm vật liệu xây dựng nhưng do công nghệ và kỹ thuật còn chưa đáp ứng được sản lượng và chưa có đầu ra hợp lý nên lượng phế thải này ngày một lớn.

Thông qua nghiên cứu này, đã chỉ ra những cơ sở cần thiết để tận dụng khối lượng phế thải tro bay từ các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam. Trong đó, các mẫu thí nghiệm tro bay thí nghiệm được lấy từ nhà máy nhiệt điện Đông Triều và nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi phân tích, nghiên cứu và xử lý số liệu, đã đạt được kết quả tối ưu về thành phần phần trăm tro bay tối ưu để sử dụng gia cố đê sông:

- Tỷ lệ 90% đất gia cố (85% đất + 15% tro bay) + 10% xi măng là tỷ lệ tối ưu để gia cố nền đê để đạt được sự kết hợp vận chuyển cần thiết.

- Tỷ lệ 96% của cốt liệu cốt liệu nghiền, được gia cố bằng 4% chất kết dính (80% xi măng + 20% tro bay) là tỷ lệ tối ưu để gia cố bề mặt đê.

Với kết quả đạt được, nghiên cứu được cho là có tính thực tiễn cao và nên được ứng dụng và phát triển tại Việt Nam cũng như những quốc gia có trường hợp tương tự.

Trở về từ hội thảo quốc tế ICMSET 2019, PGS.TS Nguyễn Hữu Huế cũng khẳng định được năng lực và vị thế khoa học của Trường đại học Thủy lợi nói riêng và Việt Nam nói chung cũng không hề thua kém trên trường quốc tế tại một trong những hội thảo khoa học hàng đầu về ngành kỹ thuật, công nghệ và vật liệu xây dựng mới với sự góp mặt của nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học… đến từ các trường đại học lớn và các tổ chức nghiên cứu khoa học trên thế giới.

03-2019, HH và Phương Thảo