Một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo trì công trình xây dựng

Chúng ta luôn mong muốn tạo ra và duy trì các công trình xây dựng một cách an toàn, chắc chắn và thân thiện với môi trường. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chủ công trình xây dựng được khuyên rằng phải thực hiện công việc bảo trì công trình cho các công trình của họ và đây cũng là trách nhiệm họ phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Một sự hiểu biết tốt đối với công tác bảo trì công trình là rất cần thiết để họ thực hiện trách nhiệm về bảo trì.

1. Giới thiệu chung

Danh từ “bảo trì” ở Việt Nam xuất hiện đầu tiên gắn liền với máy móc thiết bị du nhập vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đối với đối tượng là công trình xây dựng (CTXD), mặc dù xuất hiện trước thiết bị máy móc rất lâu trong lịch sử lại được hiểu với các cụm từ truyền thống hơn như là “duy tu”, “sửa chữa”, “bảo dưỡng”. Những năm gần đây, sau khi hình thành và phát triển những quan niệm, cơ sở khoa học mới về chính sách bảo tồn và phát triển bất động sản ở nước ta, cụm từ “bảo trì công trình”, “bảo trì CTXD” mới dần được sử dụng và phổ biến. Bảo trì CTXD được hiểu là bao gồm bảo trì kiến trúc, kết cấu và các hệ thống kỹ thuật của công trình.

Mục đích của bảo trì công trình: Bảo trì để duy trì sự làm việc bình thường theo đúng thiết kế và kéo dài tuổi thọ công trình, đồng thời góp phần giảm chi phí thay thế và sửa chữa công trình. Bảo trì còn để hạn chế sự suy giảm tài sản vật chất theo yêu cầu của bên cho vay tài chính đầu tư ban đầu hoặc các đơn vị bảo hiểm công trình. Bảo trì để tối đa hóa các giá trị thẩm mỹ và kinh tế của tòa nhà cũng như cung cấp môi trường làm việc và sinh hoạt an toàn và hiệu quả cho người cư ngụ.

Tầm quan trọng của bảo trì công trình: Khi các công trình được đưa vào sử dụng thì điều quan trọng là các tòa nhà tiếp tục được duy trì đúng cách để đảm bảo rằng chúng có thể hoạt động hiệu quả nhất có thể. Sự suy thoái của các tòa nhà do thiếu bảo trì có thể dẫn đến gánh nặng tài chính trong tương lai, gây ra các vấn đề về mặt pháp lý và các vấn đề liên quan khác dẫn đến ảnh hưởng đến việc sử dụng. Tìm hiểu các vấn đề của công trình và hiểu biết được về vật liệu cũng như kết cấu và các hệ thống cơ điện của nó là một việc hết sức quan trọng để có thể đưa ra được các biện pháp để duy trì chất lượng công trình và các chức năng làm việc hiệu quả.

Luật Xây dựng 2014 [1] đã quy định về hoạt động xây dựng mà nội hàm là các công việc xuyên suốt từ chủ trương đầu tư đến kết thúc tuổi thọ công trình. Để đưa dự án từ một ý tưởng ban đầu thành hiện thực thông thường phải trải qua bảy giai đoạn cơ bản: Nghiên cứu lập dự án; Tính toán và thiết kế kỹ thuật; Cung cấp vật tư, thiết bị; Thực hiện thi công xây dựng; Vận hành thử và hoàn chỉnh; Đưa vào khai thác sử dụng công trình và bảo trì; Xử lý công trình khi đã hết tuổi thọ thiết kế. Xuyên xuốt quá trình này, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo trì và có thể gây ra các sai sót cho việc bảo tri. Việc thảo luận và hệ thống lại các yếu tố anh hưởng đến công tác bảo trì từ giai đoạn ban đầu như thiết kế đến hết tuổi thọ công trình là cần thiết.

Để hướng dẫn Luật Xây dựng 2014, chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP [2] về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Tiếp theo bộ Xây dựng đã ban hành một số thông tư liên quan như: Thông tư số 6/2016/TT-BXD [3]; Thông tư số 03/2017/TT-BXD [4]; Thông tư số 02/2016/TT-BXD [5] và Thông tư số 03/2016/TT-BXD [6]. Các quy định pháp lý cho công tác bảo trì đã được quy định khá đầy đủ trong các văn bản này, Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ.

Để đưa thêm một góc nhìn kỹ thuật về công tác bảo trì công trình xây dựng, các tác giả sẽ đưa ra một số quan điểm nhận định về yếu tố ảnh hưởng kỹ thuật đến bảo trì công trình xây dựng. Các đánh giá này sẽ đóng góp mở rộng kiến thức chung về công tác bảo trì và có thể làm cơ sở để xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật đầy đủ cho công tác bảo trì công trình xây dựng.

2. Quy định pháp lý về công tác bảo trì công trình xây dựng

Luật Xây dựng 2014 [1] đã quy định về hoạt động xây dựng mà nội hàm là các công việc xuyên suốt từ chủ trương đầu tư đến kết thúc tuổi thọ công trình. Để đưa dự án từ một ý tưởng ban đầu thành hiện thực thông thường phải trải qua bảy giai đoạn cơ bản [7]: Nghiên cứu lập dự án; Tính toán và thiết kế kỹ thuật; Cung cấp vật tư, thiết bị; Thực hiện thi công xây dựng; Vận hành thử và hoàn chỉnh; Đưa vào khai thác sử dụng công trình và bảo trì; Xử lý công trình khi đã hết tuổi thọ thiết kế.

Các chức năng và tiêu chuẩn vận hành cho mỗi bộ phận công trình đã được xác định ở bước thiết kế, bước tiếp theo là xác định khi nào các bộ phận công trình không thực hiện được chức năng của nó. Từ đây đưa đến khái niệm “sự cố chức năng” được định nghĩa là sự thiếu khả năng đáp ứng một tiêu chuẩn vận hành mong muốn nào đó của bộ phận công trình [8].

Cần xác định được các loại sự cố có thể xảy ra, phân tích ảnh hưởng của từng loại sự cố tới toàn hệ thống. Làm được điều này chúng ta có thể phòng ngừa các sự cố trên cơ sở xác định được nguồn gốc các sự cố. Việc thống kê đúng, đầy đủ các loại sự cố sẽ giúp giảm bớt lãng phí thời gian, kinh phí cho việc đánh giá mức độ, nguyên nhân và cách xử lý sự cố. Từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo sự vận hành an toàn và nâng cao tuổi thọ của công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

Đối với một công trình không quá phức tạp, trước đây chúng ta đều cho rằng sự vận hành tin cậy trong một giai đoạn thời gian nhất định là đương nhiên rồi sau đó bị lão hoá. Như vậy việc bảo trì chỉ bao gồm việc sửa chữa khi có cấu kiện hoặc công trình bị hư hỏng, đại tu hoặc thay thế các cấu kiện vào các khoảng thời gian xác định. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ và vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng ngày nay có quy mô lớn và đa dạng hơn rất nhiều. Sự can thiệp của những kết quả nghiên cứu mới về vật liệu, về lý thuyết tính toán, về công nghệ thi công và sự cố công trình không chỉ do lão hoá mà còn do những nguyên nhân từ đầu vào đòi hỏi một sự kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế được các hư hỏng đối với công trình. Từ đây xuất hiện tư tưởng cần và phải phòng ngừa các sự cố và ra đời khái niệm bảo trì phòng ngừa. Khái niệm này được phát triển bao gồm các hệ thống kiểm soát và lập kế hoạch bảo trì. Chi phí bảo trì cũng bắt đầu gia tăng nhanh chóng tương quan với các chi phí vận hành khác. [8, 9].

Công tác bảo trì, đặc biệt công tác bảo trì phòng ngừa sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Bảo đảm sự vận hành an toàn do việc phát hiện sớm được các dấu hiệu của sự cố do sự hư hỏng của một bộ phận nào đó. Qua các đợt đánh giá hiện trạng chúng ta có cơ hội nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống trong môi trường làm việc thực để từ đó có thể bổ sung những cấu kiện có độ tin cậy cao hơn.

Tăng cường hiệu quả vận hành với các tham số liên quan tới vận hành thường xuyên được tham chiếu và phân tích ảnh hưởng đồng thời có biện pháp khắc phục, loại bỏ nếu cần thiết, nhờ đó loại bỏ được các sự cố không đáng có. Thực hiện công tác bảo trì là đã góp phần quan trọng thực hiện chiến lược bảo tồn công trình đồng thời tạo ra loại hình dịch vụ mới có tính chuyên nghiệp cao, tính chuyên môn hoá cao.

Những vấn đề vừa bàn trên là một phần của lý thuyết về quản lý bảo trì và trong đó có nhiều vấn đề đang được coi là mục tiêu của chiến lược bảo tồn công trình xây dựng. Điều mấu chốt của chiến lược này là cung cấp một trình tự công tác theo từng bước một để giải quyết tất cả các vấn đề đồng thời và áp dụng cho mọi đối tượng có liên quan tới công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

Khi bàn về bảo trì công trình chúng ta cần nghiên cứu sâu một số đặc trưng cơ bản của công trình có liên quan trực tiếp tới công tác bảo trì đó là tuổi thọ công trình, sự lão hoá tự nhiên, hao mòn vô hình và hữu hình của công trình. Đây là những nội dung học thuật quyết định việc hình thành cơ chế về bảo trì nhằm phát huy công năng của từng công trình.

Nhằm mục đích đưa ra cách tiếp cận một cách chặt chẽ, nghiêm túc và có hệ thống vấn đề bảo trì, ngày 12/05/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Nghị định đã nhấn mạnh cho được lợi thế về kinh tế và tiện nghi khai thác sử dụng công trình xây dựng và hệ thống kỹ thuật theo đúng thiết kế. Nội dung Nghị định đề cập đến các nội dung cơ bản như [2]: (1) Mọi công trình xây dựng phải được bảo trì; (2) Bảo trì phải theo quy định; (3) Quy trình bảo trì do nhà thầu thiết kế lập và bàn giao cho chủ đầu tư cùng với hồ sơ thiết kế. Nhà thầu cung cấp thiết bị bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình; (4) Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tới công tác bảo trì; (5) Cách thức tổ chức thực hiện bảo trì công trình và quy  định sự cần thiết v à vai trò của công tác kiểm định chất lượng phục vụ công tác bảo trì; (6) Quy định về chi phí bảo trì: nguồn và trách nhiệm chi trả; (7) Quy định về quản lý Nhà nước đối với công tác bảo trì công trình.

Nghị định 46/2015/NĐ-CP [2] là quy định pháp luật buộc chúng ta phải bảo trì cho công trình xây dựng. Song bảo trì như thế nào chúng ta cần có các tiêu chuẩn kỹ thuật để hướng dẫn cách thức bảo trì. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng vì các loại tiêu chuẩn như vậy ở nước ta không có hoặc có nhưng lạc hậu. Nghị định cũng quy định thời hạn về việc ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ  thuật về công tác bảo trì. Tuy nhiên đến nay, bảo trì công trình xây dựng ở Việt Nam mới đang dừng lại ở việc tuân thủ các thông tư hướng dẫn công tác bảo trì áp dụng cho từng loại hình công trình khác nhau. Việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài cũng cần được nghiên cứu, bổ sung để có thể áp dụng phù hợp với điều kiện đặc thù Việt Nam

3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến bảo trì công trình xây dựng

Đặc tính của công trình: Các công trình có cấp và tuổi thọ khác nhau thì các quy định và quy trình bảo trì khác nhau. Ngoài ra kích thước của công trình, phương án kết cấu, công năng công trình và vật liệu sử dụng cũng là các yếu tố cần xét đến khi lập quy trình bảo trì và khi thực hiện việc bảo trì công trình dân dụng.

Chất lượng thiết kế: Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình lập quy trình bảo trì công trình xây dựng cho chủ đầu tư chưa tối ưu và phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định hiện hành, hoặc cập nhật quy trình bảo trì chưa phù hợp với các nội dung thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng. Việc này làm cho việc thực hiện bảo trì về sau không hiệu quả;

Các khiếm khuyết trong các tòa nhà mới xây là các vị trí không tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng, các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành và các dung sai cho phép. Nguyên nhân có thể do lỗi trong quan điểm thiết kế, hệ số an toàn thấp, tính toán thiếu tải trọng, mối nối không đảm bảo, lỗi tính toán hoặc sử dụng sai phần mềm, sử dụng vật liệu không phù hợp. Điều này làm công trình nhanh xuống cấp và tăng chi phí bảo trì;

Các sự cố chính mà các công ty bảo trì đang phải xử lý hiện nay là do thiếu xót trong công tác thiết kế công trình, chất lượng và hiệu năng của công trình kém liên quan trực tiếp đến việc bố trí chức năng cũng như lựa chọn vật liệu và trang thiết bị cho công trình;

Thiếu sự liên lạc giữa các công ty thiết kế và các công ty bảo trì cũng như người sử dụng tòa nhà hoặc chủ sở hữu đã dẫn đến các công ty thiết kế không nhận thức đầy đủ về các vấn đề liên quan đến bảo trì mà chủ sở hữu tòa nhà thường xuyên báo cáo;

Không chú ý đến lợi ích của việc thiết kế để dễ dàng bảo trì về sau, những yếu tố có thể kéo dài tuổi thọ công trình, giảm tỉ lệ hư hỏng và vì thế mà giảm chi phí bảo trì.

Chất lượng thi công: Thi công kết cấu tòa nhà không phù hợp với bản vẽ và chỉ dẫn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn hiện hành làm giảm chất lượng công trình và làm tăng chi phí sửa chữa. Các lỗi do thi công như: trình tự xây dựng không đúng; biện pháp thi công không đảm bảo; tải trọng thi công quá lớn; tháo ván khuôn quá sớm; thi công không theo hồ sơ thiết kế; tự ý thay đổi vật liệu hoặc sử dụng vật liệu có lỗi do sản xuất hoặc chế tạo vào xây dựng công trình.

Chất lượng vật liệu: Việc sử dụng vật liệu xây dựng công trình không phù hợp làm cho công trình dễ bị môi trường xâm thực gây ra sự xuống cấp nhanh chóng hoặc dễ bị hỏng hóc như: dùng thép dễ bị gỉ và ăn mòn trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước, sử dụng bê tông không đúng cấp phối hoặc thiếu các phụ gia cần thiết hoặc sử dụng các vật liệu mối hàn quá kém trong kết cấu thép… Việc này làm tăng chi phí bảo trì và giảm tuổi thọ công trình.                                                      

Con người  và quá trình sử dụng: do nhu cầu sinh hoạt nên người sử dụng có thể thay đổi công năng cũng như kết cấu của công trình hiện trạng so với thiết kế ban đầu. Sự thay đổi do kém về nhận thức và kiến thức này có thể làm cho công trình hoặc bộ phận công trình chịu thêm các tải trọng bất lợi làm cho công trình hỏng hoặc nhanh xuống cấp hoặc gây khó khăn cho việc khắc phục thay thế nên ảnh hưởng đến công tác bảo trì. Ngoài ra sự chậm trễ hoặc không báo cáo hư hỏng của người sử dụng cũng là một trong các yếu tố làm giảm chất lượng công trình.

Những sự cố bất thường xảy ra khi công trình sử dụng như cháy nổ, lũ lụt, động đất làm cho công trình chịu thêm những tải trọng ngoài thiết kế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và kế hoạch bảo trì.

Ngân sách dành cho công việc bảo trì:  Ngân sách bảo trì hạn chế nên không thể đưa ra được giải pháp tối ưu để thực hiện công việc bảo trì, không sử dụng được các vật liệu tốt để thay thế hoặc thay thế chậm trễ làm cho việc bảo trì không hiệu quả. Ngoài ra sự yếu kém trong quản lý ngân sách cho công việc bảo trì làm cho việc sử dụng tài chính không hiệu quả, lãng phí hoặc thất thoát.

Sự thay đổi về quy định và chính sách: các quy định mới về mức an toàn và sức khỏe con người sử dụng sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch và quy trình bảo trì cũ đã được lập. Đối với các công trình sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì để thực hiện bảo trì, khi tiêu chuẩn này được sửa đổi hoặc thay thế nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình không có sự điều chỉnh việc thực hiện bảo trì theo nội dung đã được sửa đổi. Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình không điều chỉnh quy trình bảo trì khi phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng công trình.

Sự quản lý và thực hiện bảo trì: Chủ sở hữu hoặc người quản lý dụng công trình cần thực hiện việc bảo trì theo quy trình đã được phê duyệt, trong trường hợp không có quy trình phê duyệt thì vẫn phải  thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo các quy định về bảo trì công trình xây dựng hiện hành. Việc này đòi hỏi cần có kế hoạch cụ thể để:  tiết kiệm chi phí; công việc này phải diễn ra một cách có hệ thống chứ không phải ngẫu nhiên;  việc này phải tuân theo các tiêu chuẩn và phải được giám sát; giảm thiểu các quyết định chủ quan và bảo dưỡng sửa chữa khẩn cấp.

Kế hoạch cần được lập tối thiểu hai mức độ là bảo trì dài hạn và bảo trì hàng năm. Bảo trì dài hạn có thể mở rộng đến 50-100 năm theo tuổi thọ công trình. Bảo trì hàng năm là khảo sát kiểm tra hàng năm, ghi chép sổ nhật ký và lịch sử công việc được đã thực hiện từ các năm trước. Hệ thống bảo trì nên được nâng cấp hàng năm.

Năng lực yếu kém của con người trong công tác thực hiện bảo trì dẫn đến có những nhận định chưa chính xác về các sự cố hoặc xuống cấp của công trình, đưa ra các giải pháp khắc phục sửa chữa không phù hợp hoặc không triệt để. Sự yếu kém trong quản lý chất lượng, quản lý công việc bảo trì nên có thể không thực hiện bảo trì đúng thời điểm hoặc dùng các vật liệu kém chất lượng để thay thế. Những việc này không những làm cho việc bảo trì không hiệu quả mà còn làm cho công trình không thể khôi phục được trạng thái như thiết kế ban đầu.

4. Kết luận

Các yếu tố ảnh hưởng tới công tác bảo trì công trình xây dựng dân dụng đã được các tác giả hệ thống đầy đủ trong bài báo. Cần phải tăng nhận thức và có chiến lược ngay từ giai đoạn đầu của dự án là thiết kế, thi công, vật liệu sử dụng để đảm bảo các ý tưởng với sự thuận tiện bảo trì về sau. Bên cạnh đó các yếu tố chủ quan và khách quan trong khi sử dụng công trình như năng lực quản lý của con người, sư thay đổi công trình do cả con người và thiên tai hoặc các yếu tố chính sách cần được chú ý trong công tác bảo trì.

Trên cơ sở hệ thống từng yếu tố, bài báo đã đưa ra các nhận định đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố này lên công trình xây dựng dân dụng. Bài báo đã đưa ra được các kiến thức bảo trì công trình dân dụng dưới góc nhìn kỹ thuật của các kỹ sư kết cấu công trình.

TS. Nguyễn Anh Dũng