Đến với Điện Biên, thăm hồ Bác Giáp

Đập Loọng Luông đẹp, mặt hồ xanh ngắt trải rộng, nước chảy từ hồ men theo sườn đồi đến từng thửa ruộng. Nước tới làm cánh đồng xanh tươi, cây trong vườn sai quả và đồng bào các dân tộc phấn khởi. Nhân dân Mường Phăng kính trọng Đại tướng, biết ơn Đại tướng nên đã quyết định đặt tên hồ là Hồ Bác Giáp.

Sáu mười năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.2014) đang đến gần. Khắp đất nước và nhiều nơi trên thế giới đang diễn ra các hoạt động hội thảo, văn hóa nghệ thuật, giao lưu…kỷ niệm để làm rõ hơn và lan tỏa hơn ý nghĩa lớn lao của Chiến thắng Điện Biên phủ. Tâm điểm diễn ra các hoạt động đó là Điện Biên, nơi cách đây 60 năm đã tạo nên chấn động địa cầu.

Theo dòng người đổ về Điện Biên, chúng tôi những giảng viên của Trường Đại học Thủy lợi đến thăm những di tích lịch sử đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt. Đó là đồi Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm Đờ Cát, đồi A1…

Hố bộc phá của bộ đội ta đánh đồi A1

Nhưng phấn chấn hơn cả là đến với khu rừng Mường Phăng, nơi đặt đại bản doanh chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường  từ thành phố Điện Biên đi Mường Phăng quanh co, rậm rạp cây cỏ. Theo uốn lượn của các cua đường, chúng tôi miên man hình dung ra cách đây 60 năm rừng rậm hơn nhiều, đường mòn nhỏ hẹp, dốc lớn, đèo cao. Vậy mà, pháo đại bác, lương thực, đạn dược vẫn đến được Điện Biên đủ cho bộ đội sử dụng trong 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để tạo nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu.

Mường Phăng, hiện là một xã thuộc huyện Điện Biên có diện tích tự nhiên 34km2; 26 đội, bản; 1000 hộ với 3600 người thuộc các dân tộc Thái, Mường, Kinh… Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên được đặt ở khu rừng Mường Phăng, trên các quả đồi cây cối xum xuê, dưới chân đồi có nước trong chảy róc rách suốt ngày đêm. Ngắm nhìn từng ngôi nhà lán trại từ trạm gác, lán bộ đội thông tin, nhà họp, lán các chỉ huy… chúng tôi ai cũng khâm phục ý chí, nghị lực của “bộ đội cụ Hồ”.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng

Đi cùng cán bộ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, chúng tôi tới Hồ Loọng Luông 1 đặt tại thôn Loọng Luông, Xã Mường Phòng, Huyện Điện Biên. Hồ được xây dựng tại nơi hợp lưu của hai suối: Loọng Luông và Loọng Nghịu, diện tích lưu vực 1,9km2. Hồ có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 150ha; cấp nước nuôi trồng thủy sản, chống lũ quét, và tạo cảnh quan môi trường cho khu di tích lịch sử Mường Phăng.

Hồ gồm đập đất cao 29m, một cống có áp lấy nước đường kính 0,5m; một tràn xả lũ kiểu tràn bên, ngưỡng tràn kiểu thực dụng dài 15 m, nốii tiếp sau ngưỡng là dốc nước, cuối dốc là bể tiêu năng sâu 1,8m.

Mực nước dâng chết: MNC = 1109,5m

Dung tích chết         : Vc = 53.000 m3

Mực nước dâng bình thường MNDBT = 1022,1m.

Dung tích hữu sinh: V= 1,028 triệu m3 

Dung tích hồ ứng với MNDBT Vk = 1.081 triệu m3

Mực nước lũ thiết kế MNLTK = 1023,17m

Mực nước lũ kiểm tra MNLKT = 1023,37m

Tổng thể đầu mối hồ Loọng Luông 1

Nhìn từ thượng lưu Tràn xả lũ

Ngắm nhìn hồ Loọng Luông tươi mầu nâu mới, cạnh rừng Mường Phăng, chúng tôi nghĩ về quá trình xây dựng. Trước năm 2008, nhận rõ nước rất cần cho phát triển kinh tế xã hội và cải thiện đời sống nhân dân xã Mường Phăng, dự án hồ Loọng Luông 1 ra đời và đã lập xong hồ sơ thiết kế, nhưng thiếu kinh phí đầu tư. Biết được thông tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong thư Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần phản bảo tồn. Đồng bào các dân tộc của tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước đồng thời góp phần gìn giữ di tích lịch sử của Chiến thắng Điện Biên phủ.

Để tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban chỉ đạo Tây bắc của Chính Phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát riển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện dự án” - trích thư ngày 09/10/2008 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau khi có sự quan tâm của Đại tướng, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã quyết định đầu tư xây dựng hồ Loọng Luông 1. Đến 5/2013, công trình khánh thành và gắn biển công trình Chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đập Loọng Luông đẹp, mặt hồ xanh ngắt trải rộng, nước chảy từ hồ men theo sườn đồi đến từng thửa ruộng. Nước tới làm cánh đồng xanh tươi, cây trong vườn sai quả và đồng bào các dân tộc  phấn khởi. Nhân dân Mường Phăng kính trọng Đại tướng, biết ơn Đại tướng nên đã quyết định đặt tên hồ là Hồ Bác Giáp.

 Biển ghi hồ Bác Giáp – hồ Loọng Luông 1

Hồ Bác Giáp in bóng cây rừng Đại tướng, tạo nên bức tranh sơn thủy đẹp của hiện tại gắn với quá khứ, để cùng cả nước đi tới tương lai. Hồ Bác Giáplà nghĩa tình của của cách mạng với đồng bào, là tình cảm của dân với lãnh tụ và nó sẽ đẹp mãi, sáng mãi, sánh bước cùng toàn dân, toàn quân tạo nên những “Chiến thắng Điện Biên Phủ” mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam.

Bài và ảnh: Việt Bắc (Đại học Thủy lợi)