Hợp tác liên ngành, đa ngành trong vấn đề giảm thiểu, thích ứng thiên tai ven biển tại Trường Đại học Thủy lợi

Khóa tập huấn trong khuôn khổ Đề tài “Hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ven biển: Cách tiếp cận phân tích dữ diệu lớn” đã diễn ra từ sáng ngày 13/01/2021. Chương trình tập huấn trong 3 ngày sẽ bao gồm 1 buổi đi thực tế các công trình chỉnh trị, phòng chống thiên tai tại Đồ Sơn - Hải Phòng và các bài trình bày nghiên cứu khoa học

Khóa tập huấn nằm trong Đề tài do GS.TS. Nguyễn Trung Việt làm chủ nhiệm với sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Kim Lợi từ tường Đại học Nông Lâm Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh trường Đại học Y tế công cộng; GS. Hitoshi Tanaka, Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản; GS.TS. Dương Quang Trung, Đại học Queen Belfast, Vương quốc Anh … cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều trường Đại học khác. Bên cạnh đó, chương trình tập huấn còn có sự tham gia của Bà Phan Hương đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh, thành viên của Tổng cục Phòng chống thiên tai, các nghiên cứu viên trẻ, NCS, học viên cao học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, Trường Đại học ở Hà Nội,  Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... …

Nội dung của Hội thảo xoay quanh các vấn đề về nhận dạng thiên tai, các hành động phù hợp để giảm thiểu và thích ứng với thiên tai ven biển. Cách tiếp cận của Đề tài được nhìn nhận đa chiều, có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng, thủy văn, địa kỹ thuật, y tế công cộng, AI, Big-Data… Với sự tham gia của các Cơ quan quản lý Nhà nước thì vấn đề giảm thiểu rủi ro do thiên tai có thể mang hiệu quả nhiều hơn cho cộng đồng.

Đồng hành cùng Đề tài “Hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ven biển: Cách tiếp cận phân tích dữ liệu lớn” là quỹ Newton Fund, Hội đồng Anh, Trường Đại học Queen’s University Belfast, Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu (GCRF) của Chính phủ Anh nên tính thời sự của nghiên cứu được thể hiện rất rõ.

Trong thời gian một năm thực hiện Đề tài, có 11 bài báo đã được công bố quốc tế, cung cấp tài liệu cho một nghiên cứu sinh hoàn thành nội dung nghiên cứu, hỗ trợ đào tạo 2 học viên cao học quốc tế tại Trường Đại học Thủy Lợi.

Cụ thể, trong thời gian của lớp tập huấn đã có các bài trình bày của GS. TS. Nguyễn Kim Lợi, Trường Đại học Nông Lâm Hồ Chí Minh về “Tích hợp GIS và Mô hình toán trong xây dựng hệ thống cảnh báo lũ”; “Biến đổi khí hậu và sức khoẻ cộng đồng” - PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh Trường Đại học Y tế công cộng; “Công trình bảo vệ bờ biển tại Nhật Bản và Biến đổi hình thái ở bờ biển Cửa Đại, Việt Nam” và “Nuôi tạo bãi biển ở bờ biển Rikuzen-Takata, Nhật Bản” - GS. Hitoshi Tanaka, Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản; “Ứng dụng AI trong việc phòng chống sạt lở bờ biển khu vực Nha Trang do GS.TS. Dương Quang Trung, Đại học Queen Belfast, Vương quốc Anh trình bày; “Nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất dựa vào các kịch bản mưa lớn ở độ phân giải cao với điều kiện địa hình, địa mạo, địa chất công trình - Ứng dụng cho lưu vực sông Thao – Việt Nam” - TS. Trịnh Quang Toàn, Trường Đại học California, Hoa Kỳ; “Giới thiệu tối ưu hóa thời gian thực trong việc giải quyết các vấn đề thực tế in hỗ trợ hoạch định chính sách và chiến lược ra quyết định” - TS. Nguyễn Đình Long, Trường Đại học Đồng Nai; “Xói lở biển Miền Trung, thực trạng và định hướng giải pháp” - PGS.TS. Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi; “Xói lở nghiêm trọng ở Hội An hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp” - GS.TS. Nguyễn Trung Việt, Trường Đại học Thủy lợi; “Lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” - PGS.TS. Nguyễn Mai Đăng, Trường Đại học Thủy lợi; “Hiện trạng bồi – xói ở Cửa Lở, tỉnh Quảng Nam” - PGS.TS. Hồ Sỹ Tâm, Trường Đại học Thủy lợi; “Biện pháp phòng chống thiên tai bằng cách phủ xanh mái dốc” - Shinune Yuji, Giám đốc công ty Rontai Co., LTD.

Khoa Công trình trường Đại học Thủy lợi có nhiều giáo viên, học viên đã tham gia vào lớp tập huấn này. PGS.TS. Trần Thanh Tùng, phó trưởng khoa cũng có bài trình bày trong chương trình này. Các nội dung của lớp tập huấn tương đối rộng, có thể là nguồn học liệu quý cho các học viên và sinh viên của Khoa Công trình.

Các học viên, nhà nghiên cứu tham gia chương trình tìm thấy được ở lớp tập huấn nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình học bổng, quỹ đầu tư nghiên cứu. Nhiều vấn đề khoa học được trao đổi rất cởi mở và có tính định hướng cao. Lớp tập huấn đã rất thành công khi kết nối được nhiều nguồn tri thức để cùng hướng tới mục tiêu giảm thiểu, thích ứng với thiên tai. Các nhà khoa học, học viên, NCS từ các nơi khi về tham dự lớp tập huấn ở Trường Đai học Thủy Lợi đã có nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều thông tin quý giá trong công việc và định hướng cho nghiên cứu tương lai.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
601