Nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực Thủy điện

Việt Nam có nguồn tài nguyên thủy năng tương đối lớn do có vị trí địa lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, cộng với bờ biển kéo dài hơn 3400 km cùng với sự thay đổi cao độ từ hơn 3100 m cho đến độ cao mặt biển đã tạo ra nguồn thế năng to lớn do chênh lệch địa hình. Theo đánh giá về tiềm năng thủy điện, công suất thủy điện có thể khai thác được vào khoảng từ 25.000 MW đến 26.000 MW, tương ứng với khoảng từ 90 tỷ kWh đến 100 tỷ kWh điện năng. Trên thực tế, tiềm năng về công suất thủy điện có thể khai thác còn nhiều hơn. Theo kinh nghiệm khai thác thủy điện trên thế giới, công suất thủy điện ở Việt Nam có thể khai thác trong tương lai có thể bằng từ 30.000 MW đến 38.000 MW và điện năng có thể khai thác được từ 100 tỷ kWh đến 110 tỷ kWh.

Công trình thủy điện Hòa Bình

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 và sau đó. Theo tính toán từ Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, khoảng 10 tỷ kWh vào năm 2022. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phát triển nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo là mục tiêu được ưu tiên. Theo đó, công suất lắp đặt nguồn thủy điện đến năm 2025 sẽ đạt 24.600 MW và đến năm 2030 đạt 27.800 MW. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW. Trong đó, đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 1.848 MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 2.770 MW.

Ngoài ra, trên nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tài liệu cơ bản để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... Hơn nữa, cơ quan xây dựng quy hoạch các tỉnh có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các Sở, Ngành của địa phương trong quá trình lập quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều bất cập. Mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm do đó nhiều lưu vực sông có tiềm năng thủy điện vẫn chưa được khai thác hoặc chưa khai thác hết. Nhiều vị trí có thể xây dựng dự án thủy điện chưa được xem xét bổ sung vào quy hoạch. Hoặc nhiều dự án thủy điện cũng do những vấn đề nêu trên mà đã bị loại khỏi quy hoạch.

Do nhu cầu năng lượng điện ngày tăng cao, trong những năm vừa qua nguồn nhiệt điện, nhất là nhiệt điện than đã phát triển rất nhanh. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy về môi trường và an ninh năng lượng trong tương lai. Do đó, việc nghiên cứu khai thác và tận dụng tối đa nguồn năng lượng sạch và rẻ như thủy điện cần được quan tâm và tạo điều kiện, cơ chế chính sách cho phát triển. Điều này đồng thời cũng yêu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo về lĩnh vực thủy điện.

 Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy là một trong những chương trình đào tạo có truyền thống thuộc khoa Công trình của Trường Đại học Thủy lợi. Mục tiêu của chương trình là đào tạo kỹ sư có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức tốt, có sức khỏe, có năng lực thiết kế, xây dựng và khai thác vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện, năng lượng tái tạo, cảng, đường thủy và phòng chống thiên tai. Chuyên ngành Thủy điện và công trình năng lượng là một trong ba chuyên ngành của ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy. Đây là nơi đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao về công trình thủy điện nói riêng và công trình thủy nói chung.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Thủy điện và công trình năng lượng có thể làm việc tại các công ty tư vấn thiết kế, thi công; các ban quản lý dự án, viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, thủy điện và năng lượng tái tạo; các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thủy điện và công trình năng lượng với nền kiến thức cơ bản, cơ sở thuộc khối ngành xây dựng vững chắc nên dễ dàng chuyển đổi làm việc sang các lĩnh vực khác như giao thông, xây dựng dân dụng. Theo thống kê tình hình việc làm của sinh viên học về Thủy điện và năng lượng tái tạo cho thấy: Tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có việc làm trong ba năm gần đây đều đạt trên 95%. Theo đó: tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2016, là 95,5%, năm 2017 là 96,22% và năm 2018 là 97,1%. Nhiều cựu sinh viên thành đạt, được giữ những vị trí quan trọng có thể kể đến như: TS. Hoàng Văn Thắng (Cựu SV K17-Thủy điện, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT), Anh Lê Văn An (Cựu SV K17-Thủy điện, Anh hùng lao động, Chủ tịch Tổng Cty Cơ điện Xây dựng), Anh Nguyễn Tài Sơn (Nguyên CTHĐQT, TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1), GS.TS. Nguyễn Vũ Việt (Cựu SV K20-Thủy điện, Giám đốc Viện KHTL Việt Nam), Anh Trần Đăng Ninh (Cựu SV K22-Thủy điện, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình), Anh Nguyễn Văn Đại (Cựu SV K22-Thủy điện, GĐ Sở NN & PTNT Bắc Ninh), Anh Vũ Nam Tiến (Cựu SV K22-Thủy điện, GĐ Sở NN & PTNT Ninh Bình), Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (Cựu SV 29Đ - Thứ trưởng Bộ NN & PTNT), TS. Phạm Nguyên Hùng (Cựu SV 32Đ, CTHĐQT, TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1), Anh Phạm Văn Lập (Cựu SV 32Đ, Bí thư Huyện ủy Thủy Nguyên, Tp Hải Phòng), Anh Bùi Phương Nam (Cựu SV 36Đ, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 1 – Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN), Anh Trần Việt Hòa (Cựu SV 37Đ, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công thương), …

Mặt khác, theo thống kê trong vài năm gần đây cho thấy một sự mất cân đối rõ rệt trong cơ cấu ngành nghề xét tuyển. Điều này là do các thí sinh lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vẫn chủ yếu dựa vào cảm tính và tâm lý đám đông, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Theo đó, năm 2019 khối ngành kinh doanh và quản lý được coi là hót và thời thượng có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đông nhất, chiếm trên 30% trong tổng số nguyện vọng của thí sinh, trong khi các ngành này đã được cảnh báo là đang bão hòa. Trong khi đó, các ngành khoa học kỹ thuật gần như không thu hút được thí sinh, nguồn tuyển vào những ngành này rất hạn chế. Ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy là một trong nhiều ngành cũng nằm trong số này. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng cho nhiều ngành nghề trong tương lai và có thể sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho đất nước. Thực tế này đã bộc lộ rõ trong một, hai năm gần đây, khi mà rất nhiều các công ty làm trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện đang có nhu cầu lớn về nhân lực nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Đây là một vấn đề lớn đòi hỏi sự quan tâm của nhiều bộ, ban ngành trong cả nước. Đồng thời, vấn đề này cũng đặt ra suy nghĩ cho nhiều người, nhất là các thí sinh trước khi lựa chọn ngành nghề khi đăng ký xét tuyển.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
390