Định hướng hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu của Ngành KTXD Công trình thủy Trường Đại học Thủy lợi với đối tác thuộc trường Đại học Tohoku, Nhật Bản

Nền tảng hợp tác

Trường Đại học Thủy lợi chính thức ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Graduate school of Engineering thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học vào tháng 01/2007. GS.TS. Hitoshi Tanaka là người khởi xướng và trực tiếp viết đề xuất và hỗ trợ, kết nối giữa 2 trường. Các thỏa thuận hợp tác đã tiếp tục được ký kết gia hạn 02 lần vào các năm 2012, 2017. Đầu năm 2019, nhận thấy hiệu quả thiết thực trong hợp tác giữa hai trường trong hơn 10 năm qua, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Tohoku quyết định nâng quy mô hợp giữa hai trường (Hình 1). Rất nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi giữa hai trường đã được triển khai hiệu quả và bước đầu đã có những sản phẩm chung.

Ở bước khởi đầu thuận lơi, nhiều thành viên của Ngành KTXD công trình thủy đã tích cực tham gia vào các nhiệm vụ cụ thể giữa hai Trường đại học, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ thuộc đề tài Nghị định thư cấp Nhà nước, Dự án nghiên cứu … đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế biển cùng các ngành nghề liên quan; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa hai trường Đại học

Sản phẩm từ chương trình hợp tác

Có thể kể tới một vài sản phẩm tiêu biểu trong hợp tác giữa các bên như sau:

1) Đề tài nghị định thư cấp nhà nước "Nghiên cứu chế độ thủy động lực học và vận chuyển bùn cát vùng cửa sông và bờ biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa" giai đoạn 2013-2014;

2) Dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở và giải pháp bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” do Cơ quan phát triển Pháp và UBND tỉnh Quảng Nam tài trợ, giai đoạn 2016-2017;

3) Đề tài nghị định thư cấp nhà nước “Nghiên cứu các đặc trưng động học hình thái vùng vịnh và đề xuất ứng dụng các giải pháp tái tạo, nâng cấp bãi biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có tính đến ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu” giai đoạn 2016-2019.

Phân tích hiện trạng diễn biến xói lở vào tháng 11/2019 so với tháng 6/2019

 

Ngoài ra, về phương diện đào tạo và phát triển nguồn lực con người, nhiều thạc sĩ và nghiên cứu sinh tham gia chương trình hợp tác đã có những nghiên cứu được đánh giá cao, đã áp dụng trong thực tiễn.

Định hướng tương lai

Trong bối cảnh có nhiều thách thức và cơ hội phát triển, tập thể cán bộ ngành KTXD Công trình thủy thuộc khoa Công trình nhận thức một cách đầy đủ, rõ ràng cácnhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Việc thực hiện tốt các nhiệm vụ này không chỉ hỗ trợ trực tiếp việc phục vụ xây dựng phát triển xã hội, đóng góp nguồn học liệu quý giá cho đào tạo mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển ngành khoa học và công nghệ Thủy Lợi. Bên cạnh việc chỉ ra các định hướng trong hợp tác với các đối tác nước ngoài như Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản, ngành KTXD Công trình thủy cũng xác định các mục tiêu chiến lược, khẳng định các định hướng tương lai của mình.

Là một ngành đào tạo có truyền thống lâu đời nhất của trường Đại Học Thủy Lợi – chuyên về lĩnh vực xây dựng công trình thủy lợi – căn cứ từ những thách thức đã, đang và sẽ đặt ra cho ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và sự thay đổi của nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, định hướng nghiên cứu và phát triển của ngành KTXD công trình thủy sẽ tập trung xoay quanh các vấn đề chính như sau:

- Xây dựng các kịch bản phát triển, trong đó tập trung giải quyết các tác động cực đoan về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, và bảo vệ môi trường nước;

- Điều tra cơ bản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định; giám sát nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về chế độ dòng chảy (lưu lượng, vận tốc, và mực nước) cũng như chất lượng nguồn nước;

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số, kết nối và chia sẻ dữ liệu về nguồn nước giữa các cấp, bộ, ngành phục vụ quản lý hiệu quả nguồn nước và đáp ứng yêu cầu chính phủ số;

- Nghiên cứu hệ thống chuyển nước liên vùng, kết nối, liên kết giữa các lưu vực sông, hình thành mạng lưới nguồn nước vùng, quốc gia; nghiên cứu các công nghệ mới để trữ nước, liên kết, vận chuyển nước; nghiên cứu tối ưu hóa quá trình vận hành và sử dụng nước từ hồ thủy điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho vùng núi và cao nguyên,  và các vùng nông nghiệp phát triển sử dụng công nghệ cao;

- Nghiên cứu các biện pháp quản lý, bổ sung nhân tạo và khai thác nguồn nước dưới đất; nguồn sinh thủy và các hệ sinh thái ngập nước quan trọng;

- Nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới bao gồm các công trình, phi công trình cũng như các giải pháp công trình thân thiện môi trường nhằm chỉnh trị sông, cửa sông, đồng bằng ven biển để phòng chống sạt lở, ổn định hình thái cũng như phát triển quỹ đất của các vùng;

- Nghiên cứu các giải pháp vận hành liên hồ chứa trong từng lưu vực, nghiên cứu đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước: Quan trắc, kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn hệ thống các đập, hồ chứa nước và các hạng mục công trình thủy lợi liên quan để nâng cao mức đảm bảo an toàn; nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động khai thác phát triển từ thượng nguồn đến chế độ dòng chảy, và mức độ bồi lắng lòng hồ tới sự an toàn của đập cũng như hệ thống đập, hồ chứa nước ở hạ lưu.

Các định hướng này nằm trong các nhiệm vụ đặt hàng từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ những định hướng này, các nhiệm vụ cấp thiết đã được đặt ra không chỉ đối với Ngành KTXD Công trình thủy nói riêng mà còn cho ngành Thủy lợi nói chung, từ đó khẳng định rõ vai trò của ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Giải pháp công trình bảo vệ bờ biển

 

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
724