Qui định về tuyển dụng, đào tạo giảng viên trẻ

Qui định về tuyển dụng, đào tạo và sử dụng giảng viên của trường đại học thuỷ lợi (Ban hành theo Quyết định số 953 /QĐ-ĐHTL-TCCB ngày 11/8/2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi)

BỘ NN & PTNT
Trường Đại học Thủy Lợi

------------------

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--- ***---

 

QUI ĐỊNH VỀ TUYỂN DỤNG, ĐÀO TẠO VÀ SỬ  DỤNG GIẢNG VIÊN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC THUỶ LỢI

(Ban hành theo Quyết định số 953 /QĐ-ĐHTL-TCCB ngày 11 /8/2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi)

 

CHƯƠNG I

 TUYỂN DỤNG

 

Điều 1: Việc tuyển dụng viên chức giảng dạy ở Trường Đại học Thuỷ lợi được thực hiện theo qui định chung của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 (sau đây gọi tắt là Nghị định 116) của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19/2/2004 và Thông tư số 74/2005/TT-BNV ngày 26/7/2005 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2003/NĐ-CP; các văn bản hiện hành về tuyển dụng giảng viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường cụ thể hóa một số điểm trong các văn bản trên và các yêu cầu riêng của trường trong bản quy định này.

 

Điều 2: Việc tuyển dụng giảng viên thực hiện theo các nguyên tắc sau:

- Có chỉ tiêu biên chế lao động được phân bổ cho từng đơn vị chuyên môn theo kế hoạch tuyển dụng hàng năm, thuộc qui hoạch sử dụng cán bộ, viên chức của Trường và được thông báo công khai rộng rãi.

- Việc tuyển dụng được tiến hành công khai, dân chủ, đúng quy trình và tiêu chuẩn quy định để đảm bảo tuyển được những người thực sự có năng lực cao đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy – nghiên cứu.

 

Điều 3: Quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên:

Công tác tuyển dụng giảng viên do Hội đồng Tuyển dụng của trường thực hiện giúp việc cho Hiệu trưởng, được tiến hành theo các bước và tiêu chuẩn sau đây (ngoài tiêu chuẩn chung theo quy định tại Nghị định 116):

3.1. Sơ tuyển hồ sơ và xét duyệt người được dự tuyển

Việc xét duyệt hồ sơ và sơ duyệt người đựơc dự tuyển được tiến hành theo các tiêu chí ưu tiên theo thứ tự sau đây:

1.        Người tốt nghiệp đại học chính quy lọai xuất sắc, giỏi, có trình độ Tiến sĩ (ưu tiên tốt nghiệp tiến sĩ ở các nước tiên tiến, phát triển)

2.        Người tốt nghiệp đại học chính quy lọai khá, có trình độ Tiến sĩ (ưu tiên tốt nghiệp tiến sĩ ở các nước tiên tiến, phát triển)

3.        Người tốt nghiệp đại học chính quy lọai xuất sắc, giỏi, hoặc loại khá nhưng phải có điểm học tập trung bình toàn khóa ³ 7.5, có trình độ Thạc sĩ (ưu tiên tốt nghiệp thạc sĩ ở các nước tiên tiến, phát triển)

4.        Người tốt nghiệp đại học chính quy lọai xuất sắc, giỏi hoặc loại khá nhưng phải có điểm học tập trung bình toàn khóa ³ 7.5 (ưu tiên  những người đạt giải thi olimpic cấp Quốc gia, giải Loa Thành, giải nghiên cứu khoa học sinh viên) được dự tuyển nhưng ứng viên phải có cam kết tự học tập để đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (chủ yếu học ở nước ngoài đối với những chuyên ngành khoa học cơ sở và chuyên ngành) trong thời gian sớm nhất.

        Người dự tuyển phải có chuyên môn đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí tuyển dụng; có phẩm chất đạo đức tốt, có ngoại hình cân đối, không nói lắp, nói ngọng, sức khoẻ tốt, có khả năng làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tốt.

         Tuỳ theo số lượng thí sinh xin dự tuyển và chỉ tiêu tuyển dụng, trường sẽ xét duyệt quyết định số lượng các thí sinh được tham gia dự tuyển. 

         3.2. Thi tuyển và xét tuyển

         Các ứng viên được xét duyệt ở mục 3.1 phải dự kỳ thi tuyển dụng theo quy định về thi tuyển ngạch giảng viên của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.

         Việc xét duyệt người trúng tuyển được căn cứ trên kết quả điểm thi tuyển và các điểm ưu tiên (nếu có) theo quy định của Nghị định 116 của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và đào tạo. Thí sinh có điểm các môn thi đạt từ 50 điểm (thang điểm 100) trở lên sẽ được xem xét. Căn cứ vào tổng điểm xét tuyển, người trúng tuyển lấy từ người có số điểm cao nhất trở xuống cho đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng. Nếu có nhiều thí sinh cùng điểm xét tuyển, thì xem xét thêm các các thành tích học tập, nghiên cứu khoa học và các thành tích phấn đấu khác.

               

        Điều 4: Hợp đồng tuyển dụng ngạch giảng viên

         Những người được xét duyệt tuyển dụng ở mục 3.2, sẽ được Trường ký hợp đồng làm việc theo quy định của Nghị định 116 của Chính phủ theo các hình thức và thứ tự sau đây:

         4.1. Hợp đồng thử việc có thời hạn 12 tháng

         4.2. Hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm (36 tháng) lần thứ nhất

         Người đựơc hợp đồng thử việc lần đầu ở mục 4.1, sau khi hết thời hạn thử việc 12 tháng, hoàn thành tốt nhiệm vụ và có đầy đủ các điều kiện quy định trong điều 5, sẽ được xem xét ký tiếp hợp đồng làm việc có thời hạn 3 năm lần thứ nhất. Những người không hoàn thành đầy đủ các điều kiện quy định trên sẽ phải chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chuyển làm công việc khác.

         4.3. Hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm (36 tháng) lần thứ hai

         Người đựơc hợp đồng có thời hạn lần thứ nhất ở mục 4.2, sau khi hết thời hạn hợp đồng, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và đầy đủ các điều kiện quy định trong điều 6, sẽ được xem xét ký tiếp hợp đồng làm việc có thời hạn 3 năm lần thứ hai. Những người không hoàn thành đầy đủ các điều kiện quy định trên sẽ phải chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chuyển làm công việc khác phù hợp.

       

 4.4. Hợp đồng lao động không có thời hạn

         Người đựơc hợp đồng có thời hạn lần thứ hai ở mục 4.3, sau khi hết thời hạn hợp đồng, hoàn thành tốt nhiệm vụ và đầy đủ các điều kiện quy định trong điều 7, sẽ được xem xét để ký tiếp hợp đồng làm việc có hoặc không có thời hạn. Những người không hoàn thành đầy đủ các điều kiện quy định trên sẽ phải chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc chuyển làm công việc khác.

 

CHƯƠNG 2

 ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG

 

Điều 5. Lao động thử việc

Người được trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng được ký hợp lao động thử việc trong thời gian 12 tháng.

Trong thời gian thử việc, người thử việc phải xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ của giảng viên dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của đơn vị và của cán bộ được phân công hướng dẫn. Những nhiệm vụ chính và kết quả phải đạt được đối với người thử việc là:

- Nghiên cứu tài liệu, sách, giáo trình, thí nghiệm, thực hành, thực tập,... thuộc chuyên môn phụ trách và liên quan. Chuẩn bị và tập sự công tác giảng dạy (dự giờ, làm đáp án các đề thi,...) và  những công việc liên quan.

- Học tập nắm vững các quy chế về giáo dục đào tạo, lý luận giáo dục đại học và sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại.

- Nghiên cứu khoa học, học tập chuyên môn và ngoại ngữ.  Đối với người chưa đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phải phấn đấu chuẩn bị tốt kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ, để đi học trên đại học (chủ yếu ở nước ngoài) trong thời gian sớm nhất.

Đơn vị sử dụng phân công một cán bộ giảng dạy có trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn người thử việc. Trong thời gian hướng dẫn, cán bộ hướng dẫn thử việc được hưởng quyền lợi theo quy định hiện hành của nhà nước và của trường.

Hết thời gian thử việc, người thử việc phải làm báo cáo tự đánh giá chi tiết kết quả thực hiện công tác trong thời gian thử việc. Cán bộ hướng dẫn lập báo cáo đánh giá chi tiết kết quả thực hiện các mặt công tác và rèn luyện của người thử việc (Phẩm chất đạo đức; năng lực, trình độ, kết quả làm việc và học tập; ý thức tổ chức chấp hành kỷ luật, nội quy, quy chế của cơ quan; chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tinh thần hợp tác và phối hợp với đồng nghiệp trong công việc). Đơn vị sử dụng họp đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành công tác thử việc và làm văn bản đề nghị Trường xét công nhận hoặc không công nhận hoàn thành thử việc của người lao động.

Hội đồng tuyển dụng trường xét duyệt và kiến nghị với Hiệu trưởng quyết định bổ nhiệm vào ngạch giảng viên và ký tiếp hợp đồng lao động có thời hạn lần thứ nhất đối với những người hoàn thành đạt yêu cầu thử việc, quyết định chấm dứt tuyển dụng đối với những người không đạt yêu cầu thử việc.

 

Điều 6. Hợp đồng lao động có thời hạn lần thứ nhất

Trong thời gian hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm lần thứ nhất, giảng viên phải xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của đơn vị. Những nhiệm vụ chính và kết quả phải đạt được trong thời gian này là:

Đối với người có trình độ tiến sĩ:

- Nghiên cứu tài liệu, sách, giáo trình, thí nghiệm, thực hành, thực tập... thuộc chuyên môn phụ trách. Thực hiện công tác giảng dạy và các công việc liên quan.

- Tích cực nghiên cứu khoa học, học tập chuyên môn và ngoại ngữ để  nâng cao trình độ.

         - Chậm nhất, sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ nhất, phải đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy đại học và đảm nhiệm được tối thiểu một phần công tác giảng dạy sau đại học; có công trình, bài báo khoa học hoặc sách được công bố.

Đối với người có trình độ thạc sĩ:

- Nghiên cứu tài liệu, sách, giáo trình, thí nghiệm, thực hành, thực tập... thuộc chuyên môn phụ trách. Thực hiện công tác trợ giảng hoặc giảng dạy và các công việc liên quan.

- Tích cực nghiên cứu khoa học, học tập chuyên môn và ngoại ngữ để nâng cao trình độ.

         - Sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ nhất, phải đảm nhiệm được công tác giảng dạy đại học; tối thiểu đủ điều kiện (bài báo khoa học, chuyên môn và tiếng Anh IELTS ³ 5.5 hoặc TOEFL ³ 500, hoặc có trình độ tương đương với các ngoại ngữ khác) và chuẩn bị dự tuyển nghiên cứu sinh (chủ yếu ở nước ngoài đối với  các chuyên ngành khoa học cơ sở và chuyên môn).

Đối với người có trình độ đại học:

- Nghiên cứu tài liệu, sách, giáo trình, thí nghiệm, thực hành, thực tập... thuộc chuyên môn phụ trách. Thực hiện công tác trợ giảng hoặc giảng dạy và các công việc liên quan;

- Tích cực nghiên cứu khoa học, học tập chuyên môn và ngoại ngữ để nâng cao trình độ.

         - Sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ nhất, tối thiểu phải đảm nhiệm được công tác trợ giảng bậc đại học; tối thiểu đủ điều kiện (chuyên môn và tiếng Anh IELTS ³ 5.0 hoặc TOEFL ³ 450, hoặc có trình độ tương đương với các ngoại ngữ khác) và chuẩn bị dự tuyển cao học hoặc nghiên cứu sinh (chủ yếu đi học ở nước ngoài đối với các chuyên ngành khoa học cơ sở và chuyên môn).

         Ngoài ra, sau 4 năm làm việc, các giảng viên tối thiểu phải nắm vững toàn bộ nội dung của môn học bậc đại học (lý thuyết, bài tập, thí nghiệm, thực hành, thực tập, tham quan,...) và phương pháp giảng dạy. Trường sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá định kỳ hoặc đột xuất về trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Đối với giáo viên giảng dạy ngoại ngữ:

         - Sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ nhất, phải đảm nhiệm được công tác dịch thuật cả nói và văn bản các các tài liệu thông thường ở mức độ khó kể cả diễn văn hoặc hội thảo; có thể hướng dẫn chuyên gia tham gia các hoạt đông chung của Trường; tối thiểu đủ điều kiện tiếng Anh IELTS ³7.0 hoặc TOEFL ³ 650 và thi đỗ cao học hoặc nghiên cứu sinh.

         Ngoài ra, sau 4 năm làm việc, các giảng viên tối thiểu phải nắm vững toàn bộ nội dung của môn học bậc đại học và phương pháp giảng dạy. Trường sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá định kỳ hoặc đột xuất về trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy.

Hết thời hạn hợp đồng 3 năm, các giảng viên phải làm kiểm điểm tự đánh giá chi tiết kết quả thực hiện công tác theo các tiêu chí đã nêu trên để Bộ môn, Khoa và Trường xem xét ký hợp đồng tiếp.

Điều 7. Hợp đồng lao động có thời hạn lần thứ hai

Trong thời gian hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm lần thứ hai, giảng viên phải xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác nâng cao của ngạch giảng viên dưới sự lãnh đạo, hướng dẫn của đơn vị. Những nhiệm vụ chính và kết quả phải đạt được trong giai đoạn này là:

Đối với người có trình độ tiến sĩ:

- Thực hiện tốt công tác giảng dạy đại học và sau đại học;

- Tích cực nghiên cứu khoa học, không ngừng học tập chuyên môn và ngoại ngữ để nâng cao trình độ;

         - Sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ hai, phải đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy đại học và sau đại học trong nước; có công trình, bài báo khoa học hoặc sách được công bố. Có hoạt động giảng dạy, hội thảo khoa học, trao đổi học thuật hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với nước ngoài trực tiếp bằng ngoại ngữ.

Đối với người có trình độ thạc sĩ:

- Thực hiện tốt công tác giảng dạy đại học; 

- Tích cực nghiên cứu khoa học, không ngừng học tập chuyên môn, ngoại ngữ đạt trình độ đi học sau đại học ở nước ngoài (Tiếng Anh IELTS ³ 6.0 hoặc TOEFL ³ 550 , hoặc có trình độ tương đương với các ngoại ngữ khác);

         - Chậm nhất, sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ hai, phải đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy đại học; có công trình hoặc bài báo khoa học được công bố; chậm nhất phải là nghiên cứu sinh (chủ yếu ở nước ngoài đối với các chuyên ngành khoa học cơ sở và chuyên ngành).

Đối với người có trình độ đại học:

- Tham gia công tác giảng dạy đại học;

- Tích cực nghiên cứu khoa học, không ngừng học tập chuyên môn, ngoại ngữ đạt trình độ đi học sau đại học ở nước ngoài (tiếng Anh IELTS ³ 6.0 hoặc TOEFL ³ 550 hoặc có trình độ tương đương với các ngoại ngữ khác);

         - Chậm nhất, sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ hai, phải đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy đại học; có công trình hoặc bài báo khoa học được công bố; phải có bằng thạc sĩ hoặc là nghiên cứu sinh (chủ yếu ở nước ngoài đối với các chuyên ngành khoa học cơ sở và chuyên môn).

Đối với giáo viên giảng dạy ngoại ngữ:

         - Chậm nhất, sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng làm việc lần thứ hai, phải đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy đại học; có thể đọc, dịch các tài liệu chuyên ngành; phải có bằng thạc sĩ hoặc là nghiên cứu sinh.

        Điều 8. Những giảng viên được trường cử đi học tập đào tạo phải có cam kết phục vụ cho trường sau khi trở về, nếu tự ý đi nơi khác mà không được sự cho phép của trường, thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo và các chi phí liên quan.

         Điều 9. Đối  với  những người là tiến sĩ có thành  tích xuất sắc hoặc những cán bộ khoa học đã có kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, giảng dạy tốt sẽ xem xét riêng và đề nghị cấp trên cho đặc cách tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm  việc.

 

CHƯƠNG 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 10: Bản Qui định này được áp dụng thống nhất về việc tuyển dụng, đào tạo và sử dụng cán bộ giảng dạy – nghiên cứu ngạch giảng viên của Trường Đại học Thuỷ lợi và có hiệu lực theo quyết định ban hành.

Tất cả những giảng viên đã và sẽ tuyển dụng, còn trong độ tuổi và trình độ phải đào tạo đều phải tuân thủ áp dụng theo quy định này. Đối với những giảng viên đã tuyển dụng từ năm 2004 trở về trước và tính đến nay chưa quá 7 năm, trường sẽ xem xét gia hạn thêm thời gian từ 1 đến không quá 3 năm, để giảng viên thực hiện những tiêu chí trong quy định./.

 

Nơi nhận:                                    HIỆU TRƯỞNG

- Bộ NN & PTNT,
Bộ GD & ĐT (để b/c);

- ĐU, BGH, CĐ, ĐTN;                        (đã ký)

- Các P, K, B,...;

- Các Bộ môn;

- Lưu HCTH, TCCB.

                                    GS.TS Đào Xuân Học