Đê và công trình đê sông Thương - Chờ đón bàn tay kỹ sư

Xin tự giới thiệu em tên là Lê Văn Khải, sinh viên K61, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình Thủy- Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy Lợi. Em sinh ra và lớn lên tại một vùng đất mang giàu tình yêu nước là cái nôi của cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Cũng chính tại mảnh đất này còn có dòng sông Thương thơ mộng chảy qua, nó đã gắn liền với bao thế hệ người con Bắc Giang cả trong đời sông, văn hoá và nghệ thuật. Với những giá trị mà dòng sông này mang lại, em xin phép được giới thiệu về dòng sông Thương, công trình trị thủy đê sông Thương cùng những kiến nghị nhằm giúp ích cho quê hương ngày càng phát triển.

                              Hình 1: Thành Phố Bắc Giang- Tỉnh Bắc Giang

                                  Hình 2: Hoàng hôn trên dòng sông Thương

Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang, hợp lưu với sông Lục Nam tại Phả Lại; rồi hợp lưu vào sông Cầu tại Lục Đầu Giang tạo thành hệ thống sông Thái Bình mênh mông. Sông Thương có tổng chiều dài 157 km; diện tích lưu vưc trên 6660 km2. Sông chảy qua thành phố Bắc Giang và điểm cuối là phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nó nhận nước từ sông Lục Nam tại ngã ba Nhãn (nơi giáp ranh giữa Đức GiangTrí Yên và Hưng Đạo) xuôi về phía nam khoảng 8 km thì hợp lưu với sông Cầu tại ngã ba Lác (nơi giáp ranh giữa Đồng PhúcĐức Long và Phả Lại) để tạo thành sông Thái Bình tại chính ngã ba Lác. Trên địa phận tỉnh Bắc Giang, sông Thương chảy qua các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng. Sông Thương có các phụ lưu khá lớn là sông Trung, sông Sỏi, sông Máng, Sông Sim và Sông Hóa. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước của người dân quanh đê sông Thương chủ yếu là sử dụng cho phát triển nông nghiệp, sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Tại dòng sông này, có công trình trị thủy Đê sông Thương với những nét đẹp hiền hòa uốn lượn mà hiếm công trình nào có được. Nhưng do sự biến đổi khí hậu ngày càng ra gia tăng làm ảnh hưởng rất nhiều tới chế độ chảy, lưu lượng, khả năng vận chuyển bùn cát của sông. Cùng với đó nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cao của tỉnh Bắc Giang. Trong đó tốc độ đô thị hóa, quá trình gia tăng quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hoạt động sản xuất tại các làng nghề, thì sự ông nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm nguồn nước do chất thải, nước thải sinh hoạt đang trờ thành vấn đề môi trường cần được quan tâm. Mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Thương đang có xu hướng tăng và được thể hiện qua các nồng độ chất ô nhiễm trong nước như chỉ tiêu độ đục, cặn lơ lửng, COD, BOD5.

Không chỉ dòng chảy bị ô nhiễm, khu vực bờ đê sông Thương đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân quan trọng khiến đê tả sông Thương xuống cấp, hư hỏng nặng là  do được đắp từ lâu, chủ yếu là đắp thủ công trên nền đất yếu. Ðó là chưa kể một số điểm yếu, như  tuyến đê sông Lục Nam có cao độ chống tràn rất kém; đê sông Thương được đắp chủ yếu bằng đất thịt, nên mặt cắt đê nhỏ, độ dốc  mái đê lớn, thường xuyên xảy ra sạt, trượt mái đê. Tình trạng xe tải cỡ lớn, xe trộn bê tông chạy với tần suất cao, khiến mặt đê xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu. Điều bức xúc của người dân là xe trộn bê tông là của một trạm bê tông đặt ngay cạnh đê, không hề được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Hơn nữa những hành vi xâm phạm, lấn chiếm bờ đê để trồng cây, những hành vi hút cát trái phép đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan, gây sạt lở bờ đê và cấu trúc của đê.

Theo nghiên cứu của dự án ADB10:

Tuyến đê Tả Thương có tổng chiều dài 27,3 km, trong đó đi qua địa bàn huyện Lạng Giang 5,2 km, Thành Phố Bắc Giang 11,6 km, Yên Dũng 10,5 km. Tuyến đê này cùng với đê hữu Lục Nam (đê Thống Nhất) có nhiệm vụ bảo vệ cho khoảng 9.341 ha và dân số khoảng hơn 157.000 người trên địa bàn các huyện Lạng Giang, huyện Lục Nam, Thành phố Bắc Giang và một phần của huyện Yên Dũng.

Qua công tác kiểm tra hiện trạng, sơ bộ đánh giá cơ bản đáp ứng yêu cầu với mực nước lũ thiết kế. Tuy nhiên cần chú ý đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra khi mưa kéo dài nhiều ngày, nước lũ dâng cao. (a) Về đê: Cần chú ý công tác tuần tra, kiểm tra các vị trí trọng điểm xung yếu có dòng chảy áp sát bờ, mái đê phía sông dốc có khả năng xảy ra sự cố sạt trượt. (b) Đề phòng khả năng thẩm lậu, rò rỉ. (c) Về cống: Cần chú ý cần chú ý các cống tiêu lớn, các cống có tuổi thọ cao như Cống Chi Ly (K9+450) xây dựng năm 1903; Cống xả TB Xuân Hương 2 (K1+700) xây dựng năm 1966;... Ngoài ra qua kiểm tra hiện trạng thấy một số cống đã xuống cấp cần thường xuyên theo dõi kiểm tra diễn biến như Cống TB Chi Ly (K9+400) bị thủng cánh cống số 1, các cánh khác bị han gỉ không đảm bảo yêu cầu.

Tuyến đê hữu sông Thương, tuyến đê trực tiếp chống lũ sông Thương, điểm đầu tuyến đê thuộc xã Phúc Hoà huyện Tân Yên, điểm cuối đê thuộc xã Đức Giang, huyện Yên Dũng. Tổng chiều dài gần 60 km, trong đó 43,8 km đê cấp III, còn lại đê cấp IV (tuyến hữu Thương Ba Tổng). Kết hợp cùng với đê Tả Cầu, đê Tả Thương, tuyến đê Hữu Thương có nhiệm vụ bảo vệ cho phần đất thấp của 57 xã của huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang với diện tích vùng bảo vệ khoảng 41.633ha, dân số khoảng 410.000 người.

Tuyến đê hữu Thương cơ bản đáp ứng yêu cầu với mực nước lũ thiết kế. Tuy nhiên cần chú ý đề phòng các tình huống xấu có thể xẩy ra khi vào mưa bão nước lũ dâng cao, kéo dài nhiều ngày. (a) Về đê: Cần chú ý tăng cường theo dõi, kiểm tra những vị trí trọng điểm, xung yếu đang có diễn biến sạt lở bãi sông và các đoạn vừa triển khai thi công xong chưa qua thử thách lũ. Chú ý những đoạn có khả năng thẩm lậu, rò rỉ. Đề phòng các đoạn đê có đầm, ao hồ ven sát chân đê: Khi mực nước sông lên cao kéo dài nhiều ngày có thể gây mất an toàn cho đê cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, theo dõi. (b) Về cống: Cần thường xuyên theo dõi chú ý các cống có tuổi thọ cao, đã xuống cấp để kịp thời phát hiện các sự cố khắc phục xử lý ngay đảm bảo an toàn cho cống và đê như các cống Tiêu Nghể (K2+000); cống Tiêu Trạng (K30+325). Quan tâm theo dõi vận hành cống Đa Mai (K36+700). Đặc biệt cần chú ý theo dõi diễn biến sự cố nứt vòm cống Chuông xẩy ra tháng 8/2019, chưa được xử lý.

Tuy đã có những nghiên cứu đế lưu vực sông Thương và các tuyến đê. Nhưng tới hiện tại vẫn chưa có một dự án cải tạo có quy mô trên toàn tuyến. Là một người con của quê hương Bắc Giang, với lòng yêu mến quê hương, qua đây em kính mong các cấp, các ban, ngành cần có những biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ đê điều; chỉ đạo các phường, xã rà soát, thống kê, phân loại vi phạm để tập trung xử lý kiên quyết trong thời gian tới. Mặc dù vậy, trên toàn tuyến đê sông Thương qua thành phố vẫn có một số khu vực xung yếu bị xuống cấp hoặc nhiều hạng mục liên quan đang cần được tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, xây dựng đảm bảo, duy trì nét đẹp sông Thương và cũng đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

 

                                                             Lê Văn Khải 61C1

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
643