Công trình cống Cái Bé

Cùng với người anh “khổng lồ” – cống Cái Lớn, công trình cống Cái Bé là một hợp phần của HTTL Cái Lớn – Cái bé, đây được coi là Công trình cống ngăn sông lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Sở dĩ em chọn đề tài này vì đây là công trình tiêu biểu liên quan trực tiếp đến ngành công trình thủy mà mình đang học.  Đặc biệt hơn nữa công trình là nơi ghi dấu ấn của các kỹ sư khoa công trình trường ĐH Thủy Lợi. Điều đó mang đến cho em sự tự hào của một sinh viên khoa C, cũng như cảm hứng, động lực để tìm hiểu về công trình tiêu biểu này.

Cống Cái Bé do công ty CP Xây dựng thủy lợi (Hec) lập thiết kế, và được khởi công xây dựng tháng 11 năm 2019, cống được đặt tại lòng sông Cái Bé, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cách cầu Cái Bé khoảng 1.9km và cách biển Tây khoảng 12km về phía Đông.

Cống Cái bé là hợp phần cùng với cống Cái Lớn, và tuyến đê nối 2 cống với QL61 có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên) cho vùng bán đảo Cà Mau hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha). Cống Cái Bé kết hợp với các hợp phần tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất). Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Ngoài ra cống còn góp phần phát triển giao thông thủy – bộ , cải thiện môi trường sinh thái cho vùng hưởng lợi của dự án thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và Tp. Cần Thơ.

Cống Cái Bé có quy mô rộng 85m với 02 khoang cống rộng 35m, 01 Âu thuyền rộng 15m và các hạng mục kè bờ, cầu giao thông….

Cống hở kiểu trụ đỡ bằng BTCT, cống có 2 khoang, rộng B =35m, ngưỡng cống -5,0, cao trình đỉnh trụ pin +3,0 và gia cố bằng bệ cọc BTCT. Chống thâm qua nền và mang bằng 01 hàng cừ thép đóng kensit. Cửa van phẳng phằng thép có kích thước BxH = (35x7,5) m, cao trình đỉnh cửa +2,5; đóng mở thẳng đứng bằng xylanh thủy lực. Kè nối tiếp bờ bằng hệ tường kè dự ứng lực SW.

Âu thuyền bằng BTCT, rộng B =15m, dài L = 100m, ngưỡng âu -4,0 và đặt trên bệ cọc BTCT. Cửa van kiểu chữ nhất bằng thép ở 02 đầu,đống mở bằng hệ thống xylanh thủy lực

Cầu giao thông trên cống bằng BTCT, tải trọng HL93, có bề rộng lưu thông 9m. Với quy mô lớn, công trình thể hiện sức mạnh, sự sáng tạo và tiến độ, năng lực của các kỹ sư Thủy Lợi Việt Nam không thua kém các nước có nền kinh tế, hơn chúng ta về nhân lực.  

Công trình nằm ngay trên tuyến đường thủy Quốc gia cấp III, sông rộng khoảng 100m. Để đảm bảo giao thông thủy trên sông, cống được thi công trong hố móng khô tạo bởi khung vây cừ van thép. Đây là giải pháp nổi bật khác với các biện pháp thi công truyền thống là đắp đê quây, và ngăn dòng. Công trình chia làm 4 đợt thi công bao gồm

Đợt 1: Thi công toàn bộ Âu thuyền và trụ pin số 1, trụ số 3 phía bờ phải; dẫn dòng qua lòng sông thu hẹp.

Đợt 2: Sau khi thi công xong số 3 nhổ khung vây và chuyển qua thi công trụ số 2, trong thời gian này vẫn tiếp tục thi công âu thuyền, dẫn dòng qua lòng sông thu hẹp.

Đợt 3:Thi công dầm đáy khoang 1,  dẫn dòng qua khoang cống số 2 và âu thuyền đã thi công xong.

Đợt 4: Thi công dầm đáy khoang 2; dẫn dòng qua khoang cống số 1 và âu thuyền đã thi công xong.

Cống Cái bé có quy trình vận hành đồng bộ với cống Cái Lớn, và các hạng mục khác nhằm kiểm soát mặn khi mặn xâm nhập quá mức đảm bảo nguồn nước mặn phù hợp để khai thác  và mở 02 chiều khi độ mặn không ảnh hưởng để tiêu thoát môi trường. Nhờ vận hành tạm cống Cái Bé vào tháng 2 mùa khô năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã không phải đắp trên 120 đập tạm, vừa tiết kiệm được hơn chục tỉ đồng, vừa giảm việc tù đọng ảnh hưởng đến môi trường khi đắp đập tạm.  

Có thể nói cống Cái Bé là công trình “ kỳ quan ” của song nước miền Tây, được xây dựng mang theo rất nhiều sự kỳ vọng thay đổi kinh tế của bà con miền Tây, tiết kiệm được nguồn chi phí lớn vào mùa khô, giảm thiểu thiệt hại cho hạn hán, xâm nhập mặn, là một công trình lớn có ý nghĩa và tác dụng thiết thực, phù hợp với nền nông nghiệp lớn, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.   Với sự nỗ lực rất lớn của các bên, vượt qua những khó khăn của đai dịch đại công trình  này đã được hoàn thiện vận hành chỉ sau 2 năm xây dựng. Công trình được thầy và trò Thủy Lợi xây dựng bằng cả trái tim và trí tuệ, cả máu và mồ hôi, nước mắt của biết bao kỹ sư, những người thợ xây dựng trên công trường. Họ đã gửi gắm cả tâm huyết và máu xương của mình tạo nên một công trình vĩ đại mang giá trị lớn lao – điểm sáng lấp lánh trên dải đất hình chữ S. Công trình hoàn thành mang theo niềm tự hào của ngành thủy lợi, niềm tự hào về cha anh của mình. Là một kỹ sư tương lai, với những động lực từ các thầy cô, các cựu sinh viên đi trước, em hi vọng một ngày không xa có thể góp một chút công sức của mình vào những công trình to lớn, phát huy truyền thống vốn có của sinh viên khoa C để xây dựng, kiến thiết đất nước.

                                                              Nguyễn Trường Nam- 61C

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
806