Công trình thủy điện Hòa Bình - Công trình thế kỷ của Việt Nam

Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.


Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979 tại TP Hoà Bình. Nơi những chuyên gia của Liên Xô cùng hàng vạn kỹ sư, công nhân trong đó có nhiều người là thầy trò xuất thân từ Khoa Công Trình - Trường đại học Thủy Lợi có những năm tháng không thể nào quên, với sự quyết tâm, khát khao cháy bỏng mong muốn làm nên những kỳ tích chinh phục dòng sông Đà.

Trên công trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó, cao điểm có đến 4 vạn công nhân làm việc. Dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, công việc vất vả, hiểm nguy, nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ lao động đã thúc giục những bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân biến dòng sông thành nguồn điện sáng. Mọi người không quản khó khăn, gian khổ, hăng say lao động tới 3 ca, 4 kíp, trắng đêm "vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Những khẩu hiệu lao động giờ đây đã trở thành huyền thoại như "Cao độ 81 hay là chết” đã thể hiện tinh thần làm việc khẩn trương, hăng say, vượt khó của thế hệ trẻ trên công trường.

Những nỗ lực, cố gắng vượt mọi thời gian, mọi địa hình hiểm trở của con người đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 31/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống, báo hiệu một thời khắc lịch sử của đất nước và ngành Điện lực Việt Nam. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy thứ 8 cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy chính thức hoàn thành, tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW. Ngày 24/12/1994, đất nước ta phấn khởi chào mừng sự kiện trọng đại là ngày khánh thành NMTĐ Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và chuyên gia trên công trường lần đầu tiên thi công, xây dựng một công trình vĩ đại của thế kỷ XX.

Sau hơn 30 năm vận hành, đến năm 2021, nhà máy đã cung cấp cho đất nước tổng sản lượng trên 250 tỷ kWh, hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước của tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TĐHB tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.Với hồ chứa dung tích lớn lên đến 10 tỷ mét khối nước, dung tích chống lũ ước đạt 5,6 tỉ mét khối, thủy điện Hòa Bình đã góp công lớn trong việc phòng chống lũ lụt, đảm bảo an toàn cho toàn bộ vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Từ khi đưa vào hoạt động nhà máy Thủy điện Hòa Bình đến nay, vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã không còn xảy ra hiện tượng ngập lụt nữa. TĐHB đã chế ngự được hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây; điển hình là trận lũ lịch sử tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đồng thời, giữ vững an toàn công trình và vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ.

TĐHB còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng, tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác. Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm 65 - 70% tổng lượng xả từ tất cả hồ thủy điện lớn ở phía Bắc, giúp các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng.

Theo đồng chí Phạm Văn Vương, Phó Giám đốc Công ty TĐHB, Nhà máy TĐHB là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam và cũng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Nhiều năm liên tục là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện quốc gia, đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển KT-XH và sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Để tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá của các hồ thuỷ điện trên thượng nguồn, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước, đầu năm 2021, dự án Nhà máy TĐHB mở rộng chính thức được khởi công, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất Nhà máy TĐHB lên 2.400 MB, bằng công suất thủy điện Sơn La.

Có thể nói, Nhà máy TĐHB mở rộng là sự kế thừa, phát huy sáng tạo của thế hệ hôm nay tiếp nối những thế hệ đi trước trong việc tận dụng nguồn tài nguyên nước quý giá, tạo ra nguồn năng lượng mới đóng góp cho sự phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Công trình này sẽ làm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.


Có thể khẳng định rằng Thủy điện Hòa Bình là công trình thế kỷ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại nước ta. Là một kỹ sư tương lai ngành kỹ thuật xây dựng Công trình thủy, với những động lực và kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, em hi vọng trong tương lai có thể cống hiến công sức của mình vào những công trình to lớn, phát huy truyền thống vốn có của sinh viên khoa C để xây dựng, kiến thiết đất nước.

                                                                                        Nguyễn Văn Nhuận – 61C

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
504