Hồ chứa nước Cửa Đạt - Những đóng góp của giảng viên và cựu sinh viên khoa Công trình

1. Giới thiệu chung

Khánh thành năm 2010 sau hơn 6 năm xây dựng, Hồ chứa nước Cửa Đạt được coi là “Công trình thế kỷ” - một công trình đồ sộ nhất, hiện đại nhất của ngành Thuỷ lợi Việt Nam. Với các nhiệm vụ chính là chống lũ, sử dụng nước và phát điện, công trình này đã tạo ra 02 nguồn tài nguyên quý giá hàng đầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội (tài nguyên nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715 m3/s, tưới ổn định cho 86.862 ha đất canh tác và tài nguyên điện với công suất 97MW) [1], [2].

Hồ chứa nước Cửa Đạt là một công trình Thủy lợi – Thủy điện được xây dựng tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Cụm công trình đầu mối gồm các hạng mục: Đập chính, Tràn xả lũ, Tuy nen TN2, Nhà máy thủy điện, Đập phụ Hón Can và Đập phụ Dốc Cáy. Đập chính được thiết kế và thi công theo công nghệ mới – Đập đá đầm nén, chống thấm bằng bê tông bản mặt là loại đập vật liệu địa phương có nhiều ưu điểm về an toàn được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Trung quốc, Brazil, Italya, Nam tư, Mỹ … (Hình 1).

Hình 1. Cụm công trình đầu mối đập chính

Về quy mô, Hồ chứa nước Cửa Đạt là công trình cấp đặc biệt theo QCVN 04-05: 2012 với Đập chính là loại đập đá đổ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình có các thông số chính như sau [2]:

(1)- Hồ chứa (Hình 1):

- Diện tích làm việc:                                                  5.938 km2

- Mức nước lớn nhất thiết kế: P = 0,1%                       120,27 m

- Mực nước lớn nhất kiểm tra: P = 0,01%                    122,80 m

- Mực nước dâng bình thường:                                   110,00 m

- Mực nước chết:                                                         75,00 m

- Dung tích hữu ích:                                                   1,07. 109 m3

- Dung tích phòng lũ:                                                 0,30. 109 m3

- Dung tích hồ:                                                          1,45. 109 m3

(2)- Đập chính (Hình 1):

- Loại đập: Đập đá đổ bê tông bản mặt

- Cao trình đỉnh đập:                                                  121,30 m

- Chiều cao đập lớn nhất:                                           118,50 m

- Chiều dài đập:                                                         1.020,00 m

 (3)- Nhà máy thủy điện (Hình 2):

- Số tổ máy:                                                              02 tổ

- Công suất một tổ máy:                                             48,5 MW

Hình 2. Nhà máy thủy điện

Về nhiệm vụ, xuất phát từ nhu cầu dùng  nước, chống lũ, phát điện, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh Thanh Hoá, công trình được phê duyệt thiết kế với 05 nhiệm vụ chính [1], [2]:

- Giảm lũ với tần suất 0,6%, bảo đảm mực nước tại Xuân khánh không vượt quá 13,71m (lũ lịch sử năm 1962);

- Cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng 7,715 m3/s;

- Tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862 ha đất canh tác;

- Kết hợp phát điện với công suất lắp máy N = 97 MW;

- Bổ sung nước mùa kiệt cho hạ du để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q=30,42 m3/s.

2. Những đóng góp của giảng viên và cựu sinh viên khoa công trình

Công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt được hoàn thành với sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ giảng viên, cựu sinh viên Khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi trong cả giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc được Nhà nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa khen thưởng khi tổng kết quá trình xây dựng.

Trong công tác quản lý dự án: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 3 (Ban 3) và cá nhân cựu sinh viên 10T: Phan Đình Phùng – Nguyên Cục trưởng kiểm Giám đốc Ban 3 được tặng thưởng Huân chương lao động Hạng III. Trong đó, ngoài cựu sinh viên Phan Đình Phùng, Ban 3 có rất nhiều cựu sinh viên khác của Khoa công trình đóng góp cho công trình này như Nguyên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng (với vai trò là Phó cục trưởng kiêm Phó giám đốc Ban 3), Nguyên Phó cục trưởng kiêm Phó giám đốc Ban 3 Nguyễn Vinh Quang [3].

Đối với công tác tư vấn thiết kế, có sự đóng góp của rất nhiều thế hệ cựu sinh viên Khoa công trình như Lê Văn Ngọ - Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn xây dựng thuỷ lợi I (HEC1) cựu sinh viên Khóa 6 và Nguyễn Mạnh Hiệp Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn xây dựng thuỷ lợi I (HEC1) cựu sinh viên Khóa 20 là 02 chủ nhiệm công trình trong 02 giai đoạn.

Trong công tác tư vấn giám sát, Trần Văn Hiển cựu sinh viên Khóa 36 Khoa Công trình – Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi II –HECII là Phó tư vấn giám sát trưởng.

Về sự đóng góp của giảng viên Khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi: PGS.TS Nguyễn Hữu Huế - Phó hiệu trưởng, Nguyên Trưởng Khoa công trình, PGS. TS Lê Đình Chung - Nguyên Phó trưởng Khoa công trình, PGS.TS Lê Văn Hùng – Nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và QLXD, PGS.TS Dương Đức Tiến – Phó trưởng Bộ môn Công nghệ và QLXD cùng nhiều thầy cô của Bộ môn Công nghệ và QLXD đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt. Tiêu biểu là 02 đề tài trọng điểm cấp Bộ áp dụng trong thi công công trình này do PGS.TS Lê Văn Hùng và PGS. TS Lê Đình Chung làm chủ nhiệm (1- Thí nghiệm nổ mìn tạo cấp phối đá phục vụ đắp đập chính; 2- Thí nghiệm đầm nén đá hiện trường vụ đắp đập chính); và 03 đề tài do PGS.TS Nguyễn Hữu Huế làm chủ nhiệm (1- Kiểm tra chất lượng đập chính; 2- Kiểm tra chất lượng tràn xả lũ; 3- Kiểm tra cường độ và kiểm tra nứt bản mặt bê tông đập chính). Với những đóng góp của các thầy giảng viên Khoa công trình, PGS.TS Lê Văn Hùng được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tưởng chính phủ; PGS.TS Nguyễn Hữu Huế và PGS. TS Lê Đình Chung được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trường Đạihọc Thủy lợi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT [4], [5].

Như vậy, những thông tin về quy mô và nhiệm vụ cho thấy Công trình Hồ chứa nước Cửa Đạt là một công trình vĩ đại của ngành Thủy lợi Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ giảng viên và cựu sinh viên của Khoa công trình. Cá nhân em mong rằng sinh viên Khoa công trình luôn phấn đấu học tập để có kiến thức đáp ứng được các yêu cầu công việc và luôn phấn đấu học hỏi để tiếp bước các thế hệ giảng viên và cựu sinh viên Khoa công trình đối với các công trình trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Thủ tướng Chính phủ (2003), Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 29 tháng 1 năm 2003 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt;

[2]. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 10/4/2004 phê duyệt dự án đầu tư Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt ngày 29 tháng 1 năm 2003;

[3]. Chủ tịch nước (2010), Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 26/11/2010 Bộ trưởng BNN&PTNT tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt;

[4]. Thủ tướng chính phủ (2010), Quyết định số 2159/QĐ TTg, ngày 26/11/2010 của Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt;

[5]. Bộ trưởng BNN&PTNT (2010), Quyết định số 3053/QĐ BNNN-TCCB, ngày 12/11/2010 của Bộ trưởng BNN&PTNT tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Cửa Đạt.

                                                                                   Nguyễn Minh Tuấn – 62CT

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
365