Ngành KTXD Công trình giao thông – Cơ hội và thách thức

Lời dẫn: Phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông luôn là vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là huyết mạch thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa vùng miền. Vì vậy, việc đào tạo các kỹ sư xây dựng nói chung và các kỹ sư công trình giao thông nói riêng có yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống công trình giao thông, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta đã và đang đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

BTT: Xin chào thầy, rất cảm ơn thầy đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện. Xin thầy có thể cho biết, vai trò của ngành công trình giao thông trong giai đoạn hiện nay?

TS. NTT: Cảm ơn các bạn BTT. Có thể nói, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không luôn đóng vài trò quan trọng, đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội. Ở nước ta, hệ thống giao thông vận tải luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư, tạo tiền đề cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

BTT: Rất cảm ơn thầy. Thầy có thể cho biết một số dự án giao thông quan trọng đã và đang được triển khai ở Việt Nam.

TS. NTT: Hiện nay, rất nhiều dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai. Ví dụ như: Hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam; Hệ thống đường cao tốc nối các trung tâm, thành phố lớn như  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh; Hệ thống đường sắt tốc độ cao với chiều dài khoảng 1.600 km đang được thẩm định và  trình Quốc hội xem xét; Mở rộng, nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay như Nhà ga T3 Nội Bài, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây mới cảng Hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; Ngoài ra còn có dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Nâng cấp, mở rộng hệ thống đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, huyện lộ và hệ thống giao thông nông thôn trên toàn quốc.

BTT: Theo như Thầy điểm qua thì trong thời gian tới, rất nhiều công trình giao thông lớn sẽ được triển khai, điều đó đồng nghĩa với việc cần rất nhiều kỹ sư công trình giao thông để đảm nhiệm các dự án quan trọng này.

TS. NTT: Đúng vậy, với những dự án lớn này, xã hội đang rất cần nhiều kỹ sư công trình giao thông có chất lượng để tham gia vào việc quản lý, thiết kế, thi công, giám sát, đảm bảo dự án được tiến hành đúng tiến độ, chất lượng và mỹ quan.

BTT: Như vậy, Ngành KTXD công trình giao thông, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang làm gì, chuẩn bị như thế nào để có thể đào tạo ra những kỹ sư công trình giao thông có chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội.

TS. NTT:  Ngành KTXD CTGT thành lập từ năm 2009, đến nay đã có hơn 10 năm hình thành phát triển, đã đào tạo được 7 thế hệ sinh viên ra trường, với khoảng 600 kỹ sư đã tốt nghiệp. Được sự quan tâm rất lớn của ĐU, BGH Nhà trường, lãnh đạo khoa Công trình, ngành KTXD CTGT đã có những bước tiến vượt bậc. Với chương trình đào tạo được xây dựng bài bản, cập nhật, bám sát với nhu cầu công việc của xã hội, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại vốn có của Trường, cũng như các hệ thống thiết bị thí nghiệm đầu tư riêng cho ngành KTXD CTGT, Ngành đã và đang nỗ lực để có những điều kiện tốt nhất cho các em sinh viên. Đặc biệt, 100% giảng viên đang giảng dạy chuyên ngành hiện nay là Tiến sĩ, được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến như Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảng dạy, là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kỹ sư của Ngành. Ngoài công tác giảng dạy , thì các giảng viên Bộ môn cũng luôn coi trọng vấn đề nghiên cứu khoa học, kết hợp khoa học với thực tiễn: Trong 5 năm trở lại đây, các giảng viên Bộ môn đã có hơn 30 bài báo được đăng trên các tạp chí, hội thảo quốc tế có uy tín và rất nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước. Trong năm 2018-2019, Bộ môn đã có 03 giảng viên là chủ trì của 03 đề tài cấp Bộ. Các giảng viên của ngành cũng tham gia vào nhiều dự trọng điểm quốc gia như thành viên hội đồng nghiệm thu nhà nước, tham gia thiết kế phương án mở rộng nhà ga T3 Nội Bài, tham gia đánh giá các cầu lớn như cầu Phả Lại, xử lý mặt cầu Thăng Long…

 BTT: Rất cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện này, câu hỏi cuối cùng xin thầy cho biết những cơ hội việc làm của các kỹ sư ngành KTXD Công trình giao thông?

TS. NTT: Ngành KTXD CTGT trường Đại học Thủy lợi đào tạo các kỹ sư trong các lĩnh vực chính như đường ô tô, sân bay, đường sắt, cầu và công trình ngầm. Các kỹ sư ra trường có thể làm việc trong các cơ quan lý chuyên ngành giao thông như Bộ giao thông, các Sở giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án giao thông; hay các công ty Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Thi công xây dựng công trình. Đặc biệt, cũng như các ngành khác thuộc khoa Công trình, ngành KTXD CTGT cam kết giới thiệu việc làm cho các bạn kỹ sư tốt nghiệp, nếu các bạn đáp ứng được yêu cầu cơ bản đưa ra. Ngoài ra, với các em có kết quả học xuất sắc và có đủ vốn Tiếng Anh, các giảng viên của Ngành sẵn sàng giới thiệu các em các học bổng để tiếp tục nghiên cứu lên Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài.  

Nhà trường, Khoa và các Ngành trong khoa như Ngành KTXD, Ngành KTXD công trình thủy, Ngành công nghệ KTXD luôn nỗ lực để mang đến những điều kiện tốt nhất, trang bị cho sinh viên những kiến thức, hành trang vững chắc nhất để các em có thể đáp ứng tôt nhất với nhu cầu xã hội, đặc biệt là trong thời đại công ghệ 4.0 hiện nay. Cảm ơn các bạn BTT đã có cuộc phỏng vấn quý báu này.

Chúc các em sức khỏe, học tập tốt!

 

 

 

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
986