Thí sinh với số điểm thi THPT từ 17 điểm trở lên thì nên học gì ?

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, trước những lựa chọn mang tính quyết định, các bạn hãy tham khảo những thông tin về 5 ngành thuộc khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi dưới đây nhé!

  1. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy.

Thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy - một trong những ngành truyền thống xây dựng lên thương hiệu “Thủy ợi”. Ngành học về thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bến cảng, công trình biển, công trình thủy công trong nhà máy đóng tàu, công trình bảo vệ bờ biển, hải đảo cũng như các công trình ven thềm lục địa, khu vực cửa sông ven biển…

Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy được tham gia học tập, giao lưu trong một tập thể sinh viên nhiệt tình, sôi nổi và năng động. Sinh viên của ngành cũng rất tích cực trong các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tình nguyện hay các CLB trong Nhà trường.

Theo khảo sát, gần như 100% sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp hoặc tự tạo được việc làm cho mình. Nhiều cựu sinh viên của ngành hiện nay đang đứng đầu các viện nghiên cứu, các công ty tư vấn, xây dựng thủy lợi, thủy điện hàng đầu cả nước. Đặc biệt, có những cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý Nhà nước.

  1. Ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp (Kỹ thuật xây dựng).

Thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng

Nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước ngày càng được chú trọng, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp cũng ngày càng lớn. Là ngành chuyên về lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng, công trình xây dựng công nghiệp phục vụ đời sống con người như: nhà cao tầng, bệnh viện, trường học, nhà xưởng, trung tâm thương mại, …

Ngành Kỹ thuật công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đào tạo 2 cấp học Đại học, sau Đại học và chương trình “Kỹ sư định hướng Nhật Bản”.

Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp được đào tạo về lý thuyết và thực hành. Trong quá trình học tập thông qua các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, các lần đi thực tập (thực tập công nhân, thực tập cán bộ kỹ thuật), và các chuyến đi thực tế tham quan tại các công trường, công trình xây dựng, sinh viên có cơ hội được tiếp cận với những công việc thực tế; tìm hiểu các đơn vị hoạt động xây dựng, học hỏi các kinh nghiệm thiết kế, thi công các công trình và nắm bắt được các công việc thực tế của người kỹ sư xây dựng sau này.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp có thể làm việc trong và ngoài nước với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, các cơ quan Nhà nước cũng như các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác phục vụ cho công việc xây dựng các công trình trên khắp cả nước như tập đoàn Vinaconex, Vincom, Công ty Delta, Coninco… Bên cạnh đó còn được giới thiệu việc làm, thực tập với các đối tác của Khoa ở trong và ngoài nước.

  1. Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng.

Thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng

Trong xu thế nền kinh tế hội nhập quốc tế, mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước gắn liền với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng luôn là ngành học nhộn nhịp, thu hút nhiều sinh viên theo học, bởi tính thời đại của nó.

Chương trình đào tạo các kỹ sư thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng các loại công trình, tổ chức và quản lý xây dựng công trình. Chương trình đào tạo trang bị kiến thức cơ bản, cơ sở rộng và thành thạo về công nghệ kỹ thuật xây dựng, về tổ chức và quản lý dự án xây dựng, luật xây dựng, phát triển các kỹ năng trong hoạt động xây dựng, nâng cao nhận thức về tính chuyên nghiệp và giá trị đạo đức trong nghề xây dựng.

Các cán bộ giảng viên của bộ môn phụ trách ngành có kinh nghiệm trong các hoạt động về xây dựng, đã tham gia các công trình xây dựng, thủy lợi, thủy điện lớn như công trình thủy điện Thác Bà, thủy điện Hòa Bình, công trình Cửa Đạt…

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có thể làm việc tại:

+ Các cơ quan Tư vấn, thiết kế, giám sát, Thí nghiệm và Kiểm định chất lượng Công trình, Dự toán và định giá xây dựng.

+ Các đơn vị thi công: Cán bộ kỹ thuật, chỉ huy trưởng công trường.

+ Các cơ sở sản xuất suất và gia công vật liệu xây dựng.

+ Các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng như các Bộ, các Sở và các Ban quản lý dự án.

+ Các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu chuyên ngành.

  1. Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Xã hội không ngừng phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cũng được đầu tư theo hướng hiện đại góp phần quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì vậy, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông ngày càng được chú trọng và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ.

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là ngành học chuyên về lĩnh vực thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hầm, cảng, sân bay,... cũng như các công trình trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp nói chung.

Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như: trắc địa, thủy lực, kết cấu bê tông cốt thép cầu đường; thiết kế đường ô tô; kiểm định công trình; quy hoạch tuyến và thiết kế tổng thể công trình, tổ chức công trường xây dựng và chỉ đạo thi công, phân tích kinh tế và quản lý chất lượng, khai thác và sửa chữa công trình giao thông,... Bên cạnh đó, sinh viên có khả năng kiểm tra vật liệu, chất lượng công trình, hạch toán kinh tế, kiểm tra an toàn lao động trong xây dựng. Đồng thời có kỹ năng thiết kế công trình để giải quyết các vấn đề về giao thông như: kẹt xe, hệ thống giao thông thông minh, tổ chức giao thông trong các khu đô thị mới.

Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư sẽ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giao thông tại:

+ Các cơ quan quản lý.

+ Các đơn vị tư vấn thiết kế.

+ Các đơn vị giám sát thi công.

+ Các viện nghiên cứu về cầu, hầm, giao thông đường bộ và sân bay.

+ Các đơn vị bảo trì đường bộ.

  1. Ngành Quản lý xây dựng.

Thông tin tuyển sinh ngành Quản lý xây dựng

Công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước ta đang được triển khai mạnh mẽ, cùng với đó nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý xây dựng ngày càng nhiều. Các tổ chức cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp xây dựng đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ cao, có năng lực tổng hợp cả về kinh tế, kỹ thuật và quản lý trong xây dựng.

Ngành Quản lý xây dựng trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về quản lý dự án đầu tư xây dựng, bao gồm: hoạch định, tổ chức và kiểm soát về chất lượng, chi phí và tiến độ dự án xây dựng một cách có hiệu quả; lập và thẩm định các dự án đầu tư xây dựng.

Kỹ sư ngành Quản lý xây dựng có thể thực hiện các công việc như:

- Quản lý dự án, quản lý tài chính, quản lý chất lượng; định giá, thẩm định, thẩm tra dự toán, giá xây dựng, dự án đầu tư xây dựng tại các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực hiện quản lý đầu tư và xây dựng;

- Tư vấn về định giá, phân tích tài chính, phân tích hiệu quả kinh tế xã hội, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư xây dựng cho các doanh nghiệp xây dựng, đơn vị tư vấn đầu tư, xây dựng; kiểm toán trong xây dựng;

- Nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và quản lý trong xây dựng.

Trên đây là những giới thiệu cơ bản về 5 ngành thuộc khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi. Hy vọng qua những giới thiệu về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm của 5 ngành sẽ giúp các bạn thí sinh phần nào hiểu rõ hơn về khoa Công trình – Trường Đại học Thủy lợi, từ đó có những lựa chọn và quyết định đúng đắn cho tương lai của mình. Chúc các bạn luôn thành công trên con đường phía trước.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
486