Tuyển sinh năm 2023: Vì sao nên chọn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông?

Xây dựng hạ tầng giao thông được coi là một bước đi trước mở đường trong quá trình xây dựng và hiện đại hóa đất nước. Các dự án công trình giao thông (CTGT), từ đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy đến hàng hải luôn đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Để đảm bảo sức cạnh tranh của một nền kinh tế và phát triển xã hội cần phải có một hạ tầng giao thông hiện đại

Đối với các nước đang phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông thường chiếm từ 15% đến 30% tổng đầu tư công. Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giao thông đường bộ trên thế giới. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư cho giao thông vận tải ngày càng cao, dẫn đến nhu cầu đào tạo cao các kỹ sư trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (KTXDCTGT).

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, ngành giao thông vận tải ở Việt Nam liên tục phát triển và đạt được những thành tựu to lớn. Mạng lưới đường bộ của Việt Nam hiện có tổng chiều dài hơn 256.000 km, trong đó có 17.385 km đường cao tốc và quốc lộ, 22.783 km đường tỉnh, còn lại là đường địa phương. Nhiều CTGT trọng điểm ở Việt Nam đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội như đường Hồ Chí Minh, đường Quốc Lộ 1A, đường cao tốc (ĐCT) Hà Nội – Hải Phòng, ĐCT Nội Bài – Lào Cai, ĐCT HCM – Trung Lương, Cầu Thăng Long, Cầu Mỹ Thuận, Cầu cần Thơ. Nhiều dự án đường cao tốc trọng điểm hiện đang triển khai như đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Mai Sơn – QL 45, đoạn QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, …,

Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Trong những năm tới, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục tăng cao: Trên phạm vi cả nước đang triển khai hơn 700 km đường cao tốc theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đến năm 2025-2026, hơn 1.600 km chiều dài tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn I sẽ cơ bản hoàn thành với tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng. Ngoài ra, 6 dự án giao thông trọng điểm được bố trí kế hoạch vốn là 87.430 tỷ đồng gồm Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Các dự án này tạo đột phá về phát triển hạ tầng, kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các trục giao thông huyết mạch nội vùng và liên vùng. Về dài hạn, chiến lược phát triển của Bộ Giao Thông Vận Tải quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2030 gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km, trong đó chỉ riêng dự án đường cao tốc Bắc Nam có tổng chiều dài 3.083 km.

Không chỉ đầu tư vào tuyến cao tốc Bắc – Nam, nhiều chương trình, dự án trọng điểm với quy mô rất lớn đã và đang được triển khai như mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km) và sân bay quốc tế Long Thành (có công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm). Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 58,7 tỉ USD, dự kiến hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư đến năm 2025, khởi công các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang trong giai đoạn 2026 - 2030.

Dự án tuyến Metro số 3 Nhổn – Ga Hà Nội

Dự án Đường sắt Cao tốc Bắc – Nam (quy hoạch)

Nội dung đào tạo của ngành KTXDCTGT

Kỹ thuật xây dựng CTGT là ngành học trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng CTGT, bao gồm thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các CTGT như đường bộ, cầu, đường sắt, đường hầm, đường sân bay. Sinh viên theo học nghành KTXDCTGT thuộc Đại học Thủy Lợi còn được trang bị các kiến thức về quy hoạch giao thông vận tải và mạng lưới đường, kỹ thuật giao thông và an toàn giao thông.

Cũng như đa số các ngành kỹ thuật, kiến thức của ngành KTXDCTGT được chia thành các khối kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở khối ngành và cơ sở ngành, và kiến thức chuyên ngành. Trong mỗi khối kiến thức sinh viên sẽ được học các môn phù hợp với chương trình, trong đó có các môn học tự chọn. Kiến thức đại cương giúp hình thành tư duy phân tích cơ bản; Kiến thức cơ sở ngành và khối ngành hình thành nền tảng cho chuyên ngành;  Kiến thức chuyên ngành trang bị các kiến thức về xây dựng giao thông mang tính ứng dụng trong quá trình làm việc. Các môn học chủ yếu cung cấp kiến thức chuyên ngành của ngành KTXDCTGT gồm Thiết kế hình học, Thiết kế nền mặt đường, Xây dựng nền mặt đường, Giao thông và đường đô thị, Quy hoạch GTVT và mạng lưới đường, Cảng hàng không và Sân bay, Mố trụ cầu, Thiết kế cầu Bê tông cốt thép, Thiết kế hầm, …

Cơ hội việc làm của ngành KTXDCTGT

Xã hội không ngừng phát triển đòi hỏi một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Việt Nam là một nước đang phát triển với chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cần phải tăng cường đầu tư mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và phát triển xã hội.

Trong những năm tới, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục tăng cao. Theo báo Kinh tế vĩ mô - Đầu tư, chỉ riêng thủ đô Hà nội trong 5 năm tới đã cần tới hơn 320 nghìn tỷ đồng cho 460 dự án giao thông. Thành phố HCM có kế hoạch đầu tư 15 dự án giao thông và 6 chương trình đầu tư công tổng vốn hơn 100.0​00 tỷ đồng cần thực hiện những năm tới. Một số dự án trọng điểm có nhu cầu huy động vốn rất lớn như Sân bay Quốc tế Long Thành có tổng chi phí xây dựng sân bay theo dự kiến cho đến năm 2050 với 3 giai đoạn là 18 tỷ U$D, hay dự án Đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP. HCM với tổng mức đầu tư 58,7 tỉ U$D có lộ trình thực hiện đầu tư đến tận năm 2045 - 2050. Có thể nói, ngành KTXDCTGT ngày càng được chú trọng đầu tư và vì vậy luôn có sức hút mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội việc làm hấp dẫn. Trong những năm tới, đất nước cần rất nhiều kỹ sư công trình giao thông có chất lượng làm việc cho các dự án.

Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư ngành KTXDCTGT có thể làm việc tại các viện thiết kế - quy hoạch, các tổng công ty hoặc công ty xây dựng, quản lý và sửa chữa CTGT, xây dựng dân dụng và công nghiệp, thủy lợi … hoặc tham gia giải quyết các vấn đề về quy hoạch, quản lý và tổ chức giao thông thành phố. Vị trí công tác có thể là trực tiếp thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu các công trình xây dựng hạ tầng, hay phụ trách quản lý, điều hành tại các công ty giao thông, các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, ban quản lý dự án.  Các kỹ sư cũng có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các trung tâm dạy nghề, hay làm việc tại các công ty nước ngoài.

Các công ty, tổng công ty, tập đoàn chuyên về lĩnh vực xây dựng cũng như các viện nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế của ngành giao thông vận tải là hết sức đa dạng, cho thấy thế mạnh phát triển của ngành. Nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành này luôn đặc biệt ấn tượng về số lượng và chất lượng. Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có cơ hội việc làm tốt tham gia các dự án sản xuất và các doanh nghiệp. Mặc dù chịu áp lực cao, nhiều thử thách nhưng rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng làm việc trong ngành KTXDCTGT với niềm đam mê. Cơ hội việc làm luôn rộng mở, môi trường làm việc luôn năng động, vì vậy ngành KTXDCTGT luôn phát triển không ngừng và ngày càng trở nên đa dạng và chuyên nghiệp.

Đào tạo ngành KTXDCTGT tại Đại học Thủy lợi

Do nhu cầu cao về nguồn nhân lực, số lượng các cơ sở đào tạo kỹ sư ngành giao thông ngày càng tăng. Hiện nay ngành KTXDCTGT được đào tạo tại nhiều trường đại học trên cả nước như Đại học Giao thông Vận Tải, Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Đại học Kiến trúc... Tại phía Nam có Trường Đại học GTVT TP. HCM, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, Phân hiệu Đại học Thủy lợi TP. HCM, …

Bộ môn Công trình Giao thông, khoa Công trình, trường Đại học Thủy lợi được thành lập từ năm 2009 nhằm đào tạo kỹ sư ngành KTXDCTGT. Bộ môn hiện có 5/6 giảng viên có trình độ PGS.TS đang trực tiếp giảng dạy. Bộ môn có hai chuyên ngành: Chuyên ngành Đường Ô tô và Sân bay đào tạo kỹ sư với khả năng thiết kế, quy hoạch, thi công và quản lý khai thác các công trình đường bộ và cảng hàng không. Chuyên ngành Cầu hầm đào tạo kỹ sư với khả năng thiết kế, quy hoạch, thi công và quản lý khai thác các công trình cầu hầm. Qua 14 năm hình thành và phát triển, ngành KTXDCTGT đã tuyển dụng gần 1.000 sinh viên và đào tạo khoảng 700 kỹ sư với chất lượng đầu vào, đầu ra ngày càng được cải thiện. Các kỹ sư ngành KTXDCTGT có kiến thức và năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng các yêu cầu của ngành CTGT.

Những năm gần đây, Ngành KTXDCTGT Trường Đại học Thủy lợi đang nổi lên là một địa chỉ đào tạo nhân lực chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt trong lĩnh vực xây dựng giao thông. Sinh viên ngành KTXDCTGT trường Thủy Lợi đã thể hiện năng lực học tập và nghiên cứu khoa học tốt với nhiều đồ án tốt nghiệp suất sắc. Sinh viên tốt nghiệp ngành KTXDCT GT – Đại học Thủy lợi có rất nhiều lựa chọn về loại hình công việc và đã có mặt trong tất cả các khối cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc lựa chọn trường cũng như khối thi cũng hết sức đa dạng. Các bạn muốn thi vào ngành này có thể lựa chọn thi khối A, B, C… phù hợp với nguyện vọng và sở trường của từng bạn. Mức điểm chuẩn của ngành dao động trong khoảng 14-22 điểm, thay đổi qua từng năm. Mô hình đào tạo theo tín chỉ cùng với các môn học tự chọn mang lại sự đa dạng về kiến thức và sự linh hoạt về chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng.

Vì sao nên chọn ngành KTXDCTGT tại đại học Thủy lợi?

Với các em theo đuổi lĩnh vực xây dựng, ngành KTXDCTGT là một sự lựa chọn đáng quan tâm với những lý do sau đây

  • Ngành xây dựng giao thông thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, môt lĩnh vực hết sức thiết yếu đối với các nước đang phát triển.
  • Nhu cầu đầu tư rất lớn với nhiều dự án trải dải khắp đất nước, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng cao cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với sự đa dạng về vị trí việc làm.
  • Ngành xây dựng giao thông có giao diện rộng với các ngành XDCB khác, mở ra cánh cửa hội nhập đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
  • Kỹ sư ngành KTXDCTGT có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ, theo đuổi các chương trình nghiên cứu thuộc hệ cao học ngay trong quá trình công tác.
  • Có cơ hội làm việc tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp như “Chương trình Kỹ sư định hướng việc làm tại Nhật Bản” (https://ce.tlu.edu.vn/tin-tuc-khoa/hoi-nghi-tong-ket-nam-hoc-2021--2022-va-khai-5243).
  • Bộ môn CTGT thuộc Đại học Thủy lợi có vị thế cạnh tranh với các giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình. Bộ môn có đầy đủ cơ sở thí nghiệm, chương trình đào tạo linh hoạt và có tính ứng dụng cao.

Phát huy truyển thống, Bộ môn Công trình Giao thông luôn mở rộng cánh cửa chào đón các bạn sinh viên, những kỹ sư tương lai của ngành và cam kết luôn đồng hành cùng các bạn trong quá trình học tập tại trường cũng như bước đường sự nghiệp sau này.

Lời kết

Xây dựng CTGT là một ngành có nhiều thử thách với áp lực công việc, nhưng cũng là ngành mang lại cho bạn nhiều cơ hội được trải nghiệm và phấn đấu. Để theo đuổi và thành công trong sự nghiệp, sinh viên học ngành KTXDCTGT cần sở hữu một số tố chất nhất định như sự đam mê kỹ thuật, sự sáng tạo, tư duy logic, có tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao. Trên tất cả, một bí quyết để thành công là bạn cần có lòng yêu nghề và luôn nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp.

Mong rằng bài viết này giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về ngành KTXDCTGT để có quyết định đúng đắn khi lựa chọn nghành, định hướng tốt cho sự nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công.

PGS.TS. Trịnh Đình Toán -Bộ Môn Công Trình Giao Thông

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
766