Đôi điều về Anh – người giám đốc đa tài, lắm nghề, trọng tình nghĩa

Mùa hè vẫn như bao năm trước, người người tiến ra biển để được xà vào lòng đại dương, tận hưởng không khí tươi mát mà thiên nhiên ưu đãi. Suốt nghìn km bờ biển phía Bắc, có lẽ biển Cửa Lò là xanh hơn cả, thoải bãi hơn cả, sạch hơn cả, các dịch vụ cũng khá hơn cả. Vậy nên du khách đến với thị xã ven biển của xứ Nghệ này khá tấp nập, đông vui.

Tôi cũng vào Cửa Lò, nhưng lại đến với cửa sông Lam. Nơi ấy, tất cả vẫn gần gũi thân thiện với thiên nhiên. Vào thăm cảng cá Ngư Hải, gặp người giám đốc Công ty TNHH Hà Dung, một kỹ sư Thủy lợi. Tên anh là Trần Ngọc Toàn, được khá nhiều người nhắc đến ở thành Vinh.

Sinh ra và lớn lên ở Xã Cát Văn, Thanh Chương, Nghệ An, năm 1971 anh thi đỗ vào Khoa Thủy Công – Thủy điện của Trường Đại học Thủy lợi, là sinh viên của lớp 13C. Thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi, nhưng năm 1975 theo tiếng gọi của Tổ quốc, xếp bút nghiên anh lên đường nhập ngũ tham gia Chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975. Chiến tranh kết thúc anh trở lại mái trường Đại học Thủy lợi tiếp tục học tập và đã tốt nghiệp loại giỏi. Cùng bao người lính khác, anh tiếp tục trong quân ngũ để xây dựng lại những công trình bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1981, tạm biệt Binh đoàn 12, anh về với Liên hiệp Xây dựng Thủy lợi 2 và Công ty Xây dựng Thuỷ lợi 24. Năm 1997, anh lập ra Công ty TNHH Hà Dung và làm giám đốc từ đó.

Gặp chúng tôi, anh say sưa ôn lại những kỷ niệm ở nơi trường sơ tán, những giờ lên lớp bên suối, những buổi tự học trong tiếng bom nổ ở phố phường Hà Nội cuối năm 72; những câu chuyện anh này mến chị kia nhưng chỉ để trong lòng…. Câu chuyện của anh đưa chúng tôi tới những công trình do anh chủ trì hoặc anh tham gia. Đó là công trình Azun Hạ; là hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), là đập dâng Thạch Nham (Quảng Ngãi) và nhiều nữa, nhiều nữa… Rồi anh vươn tới thi công kênh thoát nước Hà Nội, quốc lộ 6 đến với Thủy điện Sơn La; và hôm nay Công ty anh đang xây dựng thủy điện A Lin (Thừa thiên Huế).

Những tưởng, người kỹ sư công trình thủy lợi Trần Ngọc Toàn, chỉ đam mê với xử lý nền đường, đào tuynen, đắp đập, lắp đặt máy bơm… anh còn say sưa nói về giá trị con tôm, con cua; cách nhận biết cá tươi (bằng những câu thơ dí dỏm ra phết!) và đặc biệt công nghệ thu mua, xử lý và bán hải sản. Con cá từ biển về được nhẹ nhàng rửa sạch, đưa vào phòng cấp đông để làm lạnh tới âm 60oC. Sau đó cá được đưa sang phòng bảo quản ở nhiệt độ âm 18oC. “Cần phải lạnh tới sáu mươi độ dưới không như thế thì lõi con cá to mới đông cứng được và vì thế cá mới tươi lâu, để cá đến với cố đô Huế, đến với Thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác”. Anh giải thích.

GĐ Trần Ngọc Toàn say sưa giới thiệu về công nghệ bảo quản hải sản

Với kiến thức và kinh nghiệm của người kỹ sư công trình thủy lợi, giám đốc Trần Ngọc Toàn, đã được tỉnh Nghệ An giao cho một phần bờ tả cửa sông Lam để tạo nên cảng cá Ngư Hải. Anh lại phấn chấn nói về khơi thông bãi bồi, tạo kè, dựng đập mỏ hàn tạo nên cảng cá nhộn nhịp.

Nhộn nhịp cảng cá hôm nay

Hiện đại, sầm uất  ngày mai sẽ thành

 Và phía kia nữa là khu cảng du lịch của Công ty TNHH Hà Dung- nơi anh là Giám đốc. Theo tay anh chỉ, tôi hình dung ra: chẳng bao lâu nữa, một cảng du lịch đã được anh dựng 3D trong máy tính sẽ thành sự thật bên dòng sông Lam trữ tình.

 Cảng Du lịch  đang được Công ty Hà Dung đầu tư

Hình ảnh người giám đốc đa tài, giàu tình cảm, còn trẻ lắm so với cái tuổi 65, cứ rõ nét mãi trong tôi, sau lúc tạm biệt anh.

Đúng là cuộc chia tay nào cũng để lại nỗi nhớ. Với chúng tôi là nỗi nhớ về một giám đốc đa tài, nhiều nghề, trọng tình nghĩa– một cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi – Kỹ sư Trần Ngọc Toàn.

 

Bài và ảnh: Việt Bắc

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
368