Mùa hè ở đảo Phan Vinh của cựu sinh viên 41C1

Nằm ở vùng khơi xa của tỉnh Khánh Hòa, Quần đảo Trường Sa là một bức tranh ghép bởi hơn 100 hòn đảo, bãi ngầm, đá, rạn san hô trên một diện tích mặt biển mênh mông, từ vĩ tuyến 6o30’ tới 12o00’ Bắc và từ kinh tuyến 111o30’ tới 117o20’ Đông. Quần đảo được chia thành 8 cụm Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Ở nơi xa nhất về phía Đông của Việt Nam, thiên nhiên khắc nghiệt với nắng gió, phong ba bão tố nhưng mỗi đảo đều mang một vẻ đẹp rất độc đáo. Sau chuyến công tác đảo Sơn Ca hơn 5 năm trước, tôi lại có cơ hội đến với QĐTS một lần nữa vào tháng 5/2021.

Vì nhiều lý do mà tàu đã không thể khởi hành sớm hơn trong tháng Tư hay đầu tháng Năm khi thời tiết hiền hòa, biển trong xanh phẳng lặng. Vào trưa ngày toàn dân đi bầu cử, chúng tôi đã rời đất liền để đến với QĐTS trên một con tàu vận tải hơn 400 Tấn. Biển hơi động vào ngày thứ hai của hải trình, sóng cao hơn và tàu lắc mạnh hơn. Cơn mưa trên biển đêm cùng với gió lớn làm tỉnh giấc một số người nằm gần cửa sổ hay mắc võng trên mạn tàu. Sáng sớm ngày thứ ba, những người tinh mắt đã có thể nhìn thấy bóng hình của cột viễn thông trên đảo Phan Vinh. Sau bữa sáng, mọi người đều đứng trên boong để thấy đảo mỗi lúc một gần hơn. Hai ngày sóng gió đã qua đi, mọi mệt mỏi như lắng xuống vì tàu đã tới được điểm đảo đầu tiên trong kế hoạch.

Hình 1 – Đảo Phan Vinh nhìn từ biển, bầu trời vẫn còn mây xám sau một ngày mưa giông

Từ vị trí tàu thả neo, đảo Phan Vinh hiện lên rất nổi bật với cây xanh, tháp viễn thông, các tòa nhà làm việc, hai quả cầu radar màu trắng. Qua câu chuyện với những người đã tới Phan Vinh, nhiều công trình mới đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, đời sống trên đảo thay đổi nhiều. Chờ thêm một ngày, đợi cho mưa giông tan, tàu đã hạ ca nô để đưa lần lượt từng nhóm vào đảo. Đảo cũng cho ca nô và xuồng chuyển tải ra tàu để dỡ hàng hóa, vật tư, thiết bị, lương thực thực phẩm…

Đặt chân lên tới đảo, điều nhận thấy đầu tiên đó chính là không khí khẩn trương, hối hả. Dưới nắng sớm nhưng gay gắt, ai gặp trên đoạn đường ngắn từ cầu tàu lên nhà khách cũng đang tập trung vào nhiệm vụ, công việc đang làm từ chiến sỹ tới sỹ quan, và các công nhân viên quốc phòng. Để đảm bảo phòng dịch, mọi người đều đeo khẩu trang chỉ để lộ những đôi mắt thân thiện và lấp lánh nụ cười đối với những người khách mới tới đảo.

Đảo Phan Vinh thuộc nhóm Trường Sa. Trước kia đảo được gọi là Hòn Sập, và nay mang tên anh hùng Phan Vinh, người thuyền trường đã hy sinh năm 1968. . Đảo có tọa độ địa lý là 8o58,1’ vĩ độ Bắc và 113o41,9’ kinh độ Đông. Sau một số lần cải tạo và  nâng cấp, đảo có hình dạng bầu dục, trục dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Đúng như lời kể của những cùng đoàn công tác trên tàu, dọc theo hai bên trục đường chính là những tòa nhà làm việc, nhà ở, nhà kỹ thuật được xây dựng ngay ngắn, vững chắc.

Hình 2 – Những tòa nhà mới, cây xanh được bố trí hài hòa trên diện tích hạn chế của đảo

Với diện tích hạn chế nhưng ở góc nào ta cũng nhìn thấy cây xanh như bàng, phi lao, đu đủ, hoa đại, hoa sứ và những cây chỉ có ở vùng biển Trường Sa như cây bão táp, cây phong ba…

Hình 3 – Mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh (trái) và bóng cây xanh, hoa trên đảo (phải)

Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, với giá trị cao, cho nên luôn thu hút tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân đến từ một số tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên. Những ngày ở đảo, đoàn chúng tôi thường xuyên nhìn thấy những tàu cá mang cờ Việt Nam di chuyển hay neo đậu quanh đảo. Từ xưa, Hòn Sập đã có vết tích của ngư dân các tỉnh miền Trung lên nghỉ ngơi, tránh bão.

Hình 4 – Tàu đánh bắt cá quanh khu vực đảo Phan Vinh

Hiện nay, đảo đã có sóng điện thoại di động, ti-vi và dàn âm thanh được lắp đặt ở hội trường phục vụ việc cập nhật tin tức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho cán bộ chiến sỹ. Khu bếp được trang bị tủ bảo quản thực phẩm, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Dưới những tán cây xanh là rất nhiều các bể chứa nước ngọt dự trữ và dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Đáng mừng, hầu hết các phân đội đều tự túc được rau xanh. Điều này thực hiện được một phần nhờ vào sự hỗ trợ chu đáo của một số đoàn cơ quan, đoàn thể, nhân dân ra thăm đảo đã mang theo nguyên vật liệu, đất mùn, phân bón… để xây dựng nhà kính, vườn rau. Mỗi ngày, cán bộ chiến sỹ thay phiên chăm sóc những luống rau xanh để bổ sung cho bữa ăn thêm đầy đủ chất xơ, vitamin.

Hình 5 – Một góc vườn rau xanh trên đảo do cán bộ chiến sỹ chăm sóc mỗi ngày

Mấy tuần trên đảo, đoàn chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều công việc như khảo sát sơ bộ vị trí lắp đặt các thiết bị quan trắc sóng, dòng chảy, mực nước; khoan lấy mẫu đá san hô; kiểm tra chất lượng xây dựng công trình xây dựng… Chiều xuống, mọi người tham gia chơi thể thao bóng đá, bóng chuyền, thể dục với cán bộ chiến sỹ để càng hiểu và gắn bó hơn. Mọi người trên đảo cũng luôn dành sự quan tâm, thăm hỏi với đoàn qua câu chào, tiếng cười hay một đĩa rau xanh, bát canh chua.

Sau gần một tháng được sống và làm việc trên đảo, một số thành viên của đoàn công tác lên tàu về đất liền mang theo nhiều số liệu, kết quả khảo sát. Và chắc chắn, ai cũng sẽ rất nhớ Phan Vinh với bao người con tới từ nhiều vùng quê khác nhau từ Nam Định, Thái Bình, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận… Nhưng ở đây, mọi người đều chung ‘đảo là nhà, biển là quê hương’. Nhìn từ biển, đảo Phan Vinh xanh cây cối hiện rất rõ dưới nền trời cao và nắng rất chói.

Hình 6 – Đảo Phan Vinh nhìn từ phía Tây Nam, hai màu nổi bật đó là xanh của cây và trắng của hai quả cầu ra dar.

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
679