Không công bố đề thi minh họa thi THPT quốc gia 2020: Bộ Giáo dục nói gì?
(Dân trí) Trao đổi với PV Dân trí sáng 10/12, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, giáo viên và học sinh sẽ dựa vào đề thi minh họa năm 2019 để ôn tập
Không công bố vì kì thi ổn định như năm ngoái
Theo ông Mai Văn Trinh, do kì thi THPT quốc gia năm nay giữ ổn định nên Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi minh họa.
Hiện, có thắc mắc của một số giáo viên và học sinh về việc đề thi THPT quốc gia năm ngoái có sự “vênh” nhau giữa đề thi minh họa và đề chính thức.
Chẳng hạn, ở đề minh họa yêu cầu so sánh hai chi tiết trong một đoạn văn của tác phẩm trong khi đề thi thật lại phân tích cảm nhận của thí sinh về một đoạn văn.
Vì thế, nếu năm nay Bộ không ra đề minh họa, cũng cần thông tin rõ để giáo viên, học sinh biết cần dựa vào đề nào để ôn tập.
Chưa kể, vẫn còn những lo lắng như liệu năm nay có thi vào kiến thức lớp 11 hay không vì đa số đề các môn năm trước có 90% kiến thức lớp 12, 10% lớp 11, còn đề thi Ngữ văn năm trước nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12.
Được biết, theo lịch tuyển sinh hàng năm, chuẩn bị cho kỳ thi THPT năm 2018-2019, đầu tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi minh họa các môn.
Trong đó, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần nhỏ lớp 11. Các câu hỏi trong đề tăng dần độ khó để đảm bảo tính phân hoá khi các trường xét tuyển vào ĐH, học viện.
Tuy nhiên, từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia 2020 không còn nhiều thời gian. Một số học sinh và giáo viên băn khoăn, liệu nên bám theo đề thi chính thức hay đề minh họa năm 2019 để ôn tập?
Bám sát đề minh họa 2019 để ôn tập
Trả lời về điều này, ông Trinh cho biết, do kì thi ổn định nên giáo viên và học sinh bám sát đề thi minh họa năm 2019 để ôn tập.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết, về chương trình ôn tập và giảng dạy chuẩn bị cho kì thi vẫn được tiến hành như mọi năm.
“Không phải có đề thi minh họa, thầy trò chúng tôi mới có kế hoạch ôn thi mà trong năm, nhà trường đã phải thiết kế thời lượng học tập phù hợp với chương trình và chuẩn kĩ năng kiến thức để chuẩn bị kì thi THPT quốc gia sắp tới”, ông Tấn cho hay.
Cũng theo Hiệu trưởng này, nếu có đề thi minh họa rất tốt và việc dạy/học tập trung hơn.
Tuy nhiên, nếu không có cũng không sao bởi nhà trường sẽ dựa theo đề thi minh họa năm ngoái để ôn tập. Đánh giá thêm về đề thi, thầy Tấn cho rằng mình thấy phù hợp và không có ý kiến thêm.
“Trong “vùng” kiến thức như vậy, thầy trò cứ chủ động ôn tập. Hiện chúng tôi vẫn chưa bước vào giai đoạn cao điểm của việc ôn thi. Mỗi tuần học sinh ôn tập từ 7- 12 tiết.
Tùy đăng kí của học sinh ở từng môn để nhà trường phân lớp và thời lượng ôn tập phù hợp”, ông Tấn nói.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng chia sẻ, thời điểm này, học sinh đang ôn tập vòng 1 để chuẩn bị cho việc kiểm tra học kỳ I. Sau khi học hết chương trình, học sinh mới quay lại ôn tập vòng 2, đi sâu vào từng phần.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, giáo viên có kế hoạch ôn tập nhiều vòng cho học sinh.
Theo đó, thầy và trò sẽ bám đề thi năm trước để ôn tập. Đánh giá đề thi năm 2019, thầy Tùng cho rằng, rút kinh nghiệm từ đề thi năm 2018 nên đề thi năm vừa qua ở mức độ chấp nhận được.
Theo: Báo Dân trí.