Hành trình trải nghiệm công việc của cựu sinh viên lớp 51Đ1, bằng 1 ngành Thủy điện và NLTT, bằng 2 ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy

Em là Ngô Quyền, cựu sinh viên 51Đ1 (Khóa 2009 ÷ 2014) ngành Kỹ thuật Thủy điện & Năng lượng tái tạo (giờ chuyển thành chuyên ngành Kỹ thuật Thủy điện và công trình năng lượng thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình thủy-Khoa Công trình). Lúc nào cũng nhớ đến trường và các thầy cô với bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên nhưng nay bản thân mới có dịp chia sẻ đôi dòng về mái trường thân yêu

Thời sinh viên, em cũng như bao bạn bè trang lứa khi bước chân vào Trường Đại học Thủy lợi cũng có nhiều hoài bão, đam mê. Nhưng do tuổi trẻ ham chơi, lười học nên có lúc kết quả học tập không như mong muốn và xuống học cùng khóa 52, nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân nên em cũng ra trường đúng hạn vào tháng 5 năm 2015, may mắn hơn chút nữa là hoàn thành được văn bằng 2 khoa Công trình nữa. Phải thừa nhận rằng, học kỹ thuật vất vả thật và để ra trường đúng hạn thì không thể nói chuyện học như chơi được, mà phải là học thật, thi thật.

Đến thời điểm hiện tại em cũng đã ra trường và đi làm được 6 năm. Từ ngày đi làm đến nay luôn gắn bó với Công ty CPXD đê kè & PTNT Hải Dương. Cũng trải qua nhiều công trường thi công từ Miền Tây sông nước, Miền Đông Nam Bộ rồi hiện đang làm ở khúc ruột Miền Trung. Em xin gửi đến quí thầy cô và các bạn khóa sau một số ảnh tư liệu quá trình công tác và chút cảm nghĩ của em.

Trên công trường công trình: kè chống sạt lở huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang

Thời gian mới đi làm, kiến thức thực tế gần như tờ giấy trắng, phải học anh em thợ từ cách buộc thép rồi cách hàn xì. Nhiều hôm nghĩ nhớ nhà vì đi làm xa và vào tận Miền Tây kiếm sống. Thế rồi cũng quen dần, rồi lại thấy đi xa hay hay, lắm món lạ, nhiều thú vui để khám phá.

Món cá nướng Kiên Giang này có hấp dẫn không các bạn sinh viên ?

Công trình kè chống sạt lở huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang

Hành trình công việc lại tiếp tục, sau công trình ở Kiên Giang là công trình huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Công trình này em chỉ lên tăng cường 2 tháng sau đó rút xuống Cà Mau.

Công trình Cống Hóc Môn, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Công trình gắn bó trong năm 2017. Là công trình khó khăn và vất vả nhất, tuy nhiên lại là nơi có nhiều món ngon nhất là hải sản để khám phá. Nhìn những hình ảnh về cuộc sống nơi công trình này chắc các bạn sinh viên sẽ thấy yêu ngành nghề và có động lực đi chinh chiến các công trình ở các tỉnh Miền Tây.

Cống Hóc Môn, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

Bức ảnh bữa cơm đạm bạc của anh em công trường Cà Mau

Tôm ở Đầm Dơi và Đầm Cùng (Cà Mau).

Sau thời gian 4 năm làm các công trình Miền Tây và Sài Gòn, em đã được ra làm các công trình gần hơn với thủ đô, đó là về Miền Trung thân yêu. Lần đầu tiên tiếp xúc và làm việc với dự án nước ngoài, Công ty em làm thầu phụ cho công ty Vinaconex2. Thi công san lấp mặt bằng dự án nhiệt điện Vân Phong 1.

Trao đổi trên công trường dự án NMNĐ Vân Phong 1

Tập thể dục và kiểm tra đồ bảo hộ lao động trước khi làm việc

            Làm việc với tổng thầu Doosan Hàn quốc, mỗi buổi sáng có 15 phút tập thể dục và kiểm tra bảo hộ. Thời gian đầu chưa quen ai cũng bỡ ngỡ nhưng làm việc cùng các công ty nước ngoài học hỏi được rất nhiều, nhất là yếu tố an toàn luôn được xếp hàng đầu.

Thi công san lấp mặt bằng dự án NMNĐ Vân Phong 1

Gói thầu san lấp nên chủ yếu là cơ giới tham gia thi công. Sau mỗi dự án như này, mỗi người lại được học miễn phí bằng lái xe cơ giới, xe ủi, máy đào. Tuy không chuyên sâu nhưng cũng đủ để dùng khi cần thiết.

Lại một chú dê phục vụ công trường sau những ngày vất vả

Mỗi một công trình là một trải nghiệm đáng nhớ, có nhiều món ngon để thưởng thức, có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp để chiêm ngưỡng và thưởng thức, học hỏi được nhiều thứ từ các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.

Lán trại nhà tạm, phục vụ thi công gói thầu số 24 Đê chắn sóng thuộc dự án nhiệt điện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Lán trại tương đối khang trang giành cho cán bộ và công nhân trên công trường

Thư giãn trên công trường Dự án: Cảng Hành Khánh Quốc Tế Phú Quốc;

Phối hợp làm việc cùng đơn vị sở tại

Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn và cản trở, đôi khi cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để giải quyết. Mỗi ngành nghề đều có những khó khăn riêng, vượt qua khó khăn như nào mới là điều mỗi chúng ra cần tìm ra. Trải qua quá trình tìm kiếm đó, bản thân em nhận thấy hành trang sinh viên Trường Đại học Thủy lợi mình ra trường hoàn toàn đủ và không thua kém những trường kỹ thuật như xây dựng, giao thông, thậm chí sinh viên Thủy lợi còn có phần nổi trội hơn trong nhiều lĩnh vực. Và cuối cùng xin đưa ra quan điểm cá nhân dành cho các bạn sinh viên là nên đi thi công sau khi ra trường để có kiến thức thực tế, sau đó có giám sát, hay thiết kế ngồi văn phòng đều có thể thích ứng rất tốt!

   0   Tổng số:
  Gửi ý kiến phản hồi
861